Địa danh như đấu trường La Mã, tượng Nữ thần Tự do, tượng Nhân Sư… vẫn đang gồng mình chống chọi lại sự khắc nghiệt của thời tiết.
Dưới tác động khắc nghiệt của thời tiết, rất nhiều di tích lịch sử trên thế giới đã và đang bị xuống cấp theo thời gian. Hãy cũng điểm lại một vài những địa danh, di tích lịch sử tiêu biểu có thể không vượt qua được “bài kiểm tra đáng sợ” của thời gian theo tổng hợp của trang Livescience dưới đây.
1. Đấu trường La Mã, Ý
Đấu trường La Mã đã được xây dựng trong khoảng năm 70 – 80 tại Rome, Ý. Đây từng là nơi các võ sĩ giác đấu La Mã (gladiator) có những trận chiến sinh tử. Ngày nay, Đấu trường La Mã được hơn 100 triệu người trên khắp thế giới bình chọn là một trong những kỳ quan thế giới mới.
Tuy nhiên, di tích lịch sử này hiện đang phải tiếp tục chiến đấu vì sự tồn vong của chính mình, với địch thủ không cân sức là thiên nhiên.
Theo lời nhà khí tượng học quốc tế Jim Andrews, nhiệt độ thấp, kèm băng tuyết thường xuyên xuất hiện tại Rome. Khi tuyết rơi, tuyết sẽ đọng lại trên mặt đá, rồi tan ra thành nước khi nhiệt độ tăng lên. Nước ngấm dần qua các kẽ đá và khi không khí lạnh tràn đến, nước sẽ đóng băng, thể tích tăng lên khiến đá bị nứt vỡ.
Ông cho rằng, yếu tố thiên nhiên khắc nghiệt sẽ dần đục khoét từng tảng đá của di tích, khiến kỳ quan hơn 1.900 năm tuổi sẽ sớm sụp đổ trong tương lai gần, nếu không có sự can thiệp của loài người.
2. Đền thờ thần Apollo Epicure, Hy Lạp
Đền Apollo Epicure là một trong khá nhiều đền thờ thần Apollo, do đây là một trong những vị thần quan trọng của Hy Lạp. Truyền thuyết kể rằng, ngôi đền được xây dựng vào khoảng những năm 420- 400 TCN, sau khi thần cứu dân chúng khỏi một bệnh dịch đang tàn phá toàn bộ vùng đất.
Đền Apollo Epicure tọa lạc trên một ngọn đồi của bán đảo Peloponnese, Hy Lạp, cao khoảng 1.131m trên mực nước biển.
Theo lời Andrews, khu vực bán đảo Peloponnese tương đối ẩm ướt do địa hình đồi núi. Nhiệt độ trong mùa đông không xuống quá thấp. Tuy nhiên, ngôi đền lại nằm tại điểm gần như cao nhất bán đảo, nhiệt độ có thể đạt mức đóng băng vào mùa Đông.
Các nhà khảo cổ học cũng tìm thấy nhiều nước mưa đọng trong các lỗ thủng của đá cẩm thạch. Điều này đồng nghĩa, đền thờ Apollo cũng chịu nguy cơ tương tự Đấu trường La Mã của Ý – nhiệt độ xuống thấp khiến nước ngấm trong đá đóng băng, làm tăng thể tích khiến đá nứt vỡ.
3. Đài tưởng niệm Ulysses S. Grant, Mỹ
Đài tưởng niệm vị tướng Ulysses S. Grant – người đã giành chiến thắng trong cuộc Nội chiến năm 1861, đồng thời cũng là tổng thống thứ 18 của Hoa Kỳ được dựng lên ở Washington, D.C, Mỹ . Đài tưởng niệm được khởi công từ năm 1902, tọa lạc phía bên đường Tòa Quốc hội Hoa Kỳ (Capitol Building).
Đây là một trong những ví dụ rõ ràng nhất về sự ảnh hưởng của mưa acid lên kim loại đồng. Bức tượng tổng thống Grant được làm chủ yếu bằng đồng, với một lượng nhỏ thiếc.
Lượng acid Carbonic có trong nước mưa sẽ phản ứng với đồng, tạo thành lớp CuCO3 màu xanh bao phủ bức tượng. Theo lời Andrews, với sự tác động của môi trường nóng ẩm, các phản ứng hóa học thậm chí diễn ra nhanh hơn. Hậu quả, tượng đài bằng đồng đã bị ăn mòn đáng kể.
May mắn thay, theo tin từ Công viên Quốc gia Mỹ, hàng năm đài tưởng niệm được phủ một lớp sáp, nhằm ngăn sự tiếp xúc trực tiếp của nước mưa.
4. Tượng Nữ thần Tự do, Mỹ
Tượng Nữ thần Tự do gần như là một biểu tượng của thành phố New York, Mỹ, nằm trên đảo Liberty – đảo Tự do tại cảng New York. Tượng nữ thần được khánh thành vào năm 1886, là một món quà của Pháp dành tặng Mỹ, nhằm công nhận “tinh thần bằng hữu được thành lập trong Cách mạng Mỹ”.
Sau nhiều năm tiếp xúc với tự nhiên, tượng Nữ thần Tự do hiện đang phải chịu những ảnh hưởng nghiêm trọng. Do được làm hoàn toàn bằng đồng nên sau nhiều năm “tắm mưa”, bức tượng đã có một lớp kim loại màu xanh lục bao phủ bên ngoài.
Ô nhiễm không khí cũng góp phần đẩy quá trình ăn mòn hóa học. Năm 1937, nhà chức trách đã phải thực hiện tu sửa do nước rò rỉ ngấm vào bên trong bức tượng, đồng thời bảo trì thường xuyên nhằm bảo vệ bức tượng khỏi những tác động nghiêm trọng hơn từ thiên nhiên.
5. Tượng Nhân Sư -The Sphinx
Được xây dựng từ rất lâu tại Ai Cập, vào thời kỳ Vương Triều Cổ (Old Kingdom), năm 2686 – 2134 TCN, tượng Nhân Sư hiện đã bị bào mòn nghiêm trọng theo thời gian.
Địa hình xung quanh tượng Nhân Sư dốc về phía Đông, đã khiến nước mưa tràn xuống chủ yếu từ phía Tây, khiến vùng đá khu vực này bị ăn mòn trong thời gian dài. Bên cạnh đó, nguồn nước ngầm mặn dưới lòng đất làm gia tăng độ ẩm, gây ảnh hưởng không nhỏ đến kết cấu bức tượng.
Nhưng nước không phải là tác nhân duy nhất, mà còn gió và cát. Ông Andrews cho rằng, “Tốc độ gió trong sa mạc là khá lớn, khiến cát bị thổi bay, theo thời gian sẽ bào mòn bất kể thứ gì”.