Theo một báo cáo mới công bố của Liên Hiệp Quốc, nhiều loài sinh vật thụ phấn không xương sống như ong, bướm và các loài thụ phấn có xương sống như chim ruồi, dơi trong tự nhiên đang trên đà tuyệt chủng.
Báo cáo này chỉ ra một số “thủ phạm” như: phương pháp làm nông nghiệp thay đổi nên các loài thụ phấn không còn đủ hoa dại cũng như sự đa dạng sinh học để dùng làm nguồn thức ăn; việc sử dụng thuốc trừ sâu gây tổn thương cho hệ thần kinh của chúng; đất tự nhiên bị lấy mất dần để xây dựng đô thị, dịch bệnh, giun sán cùng các tác nhân gây bệnh khác và sự ấm lên toàn cầu.
Các loài thụ phấn đang gặp rất nhiều mối đe dọa, gây ảnh hưởng tới hoạt động thụ phấn.
“Các loài thụ phấn đang gặp rất nhiều mối đe dọa, gây ảnh hưởng tới hoạt động thụ phấn, từ đó đặt ra những nguy cơ cho con người và cuộc sống. Những mối đe dọa này chủ yếu xuất phát từ những thay đổi trên bề mặt đất và hệ thống quản lý nông nghiệp, trong đó bao gồm việc sử dụng thuốc trừ sâu”, báo cáo viết.
Tuy nhiên, những vấn đề đặt ra ở đây hoàn toàn có thể xử lý được, và khác với vấn đề ấm lên toàn cầu, các giải pháp không đòi hỏi mọi quốc gia cùng phải thống nhất theo một lộ trình hành động chung trên toàn cầu. Các quốc gia có thể tự xử lý trong nội bộ đất nước mình, bởi các giải pháp ở đây chủ yếu xoay quanh việc thay đổi cung cách quản lý đất đai và hoạt động canh tác. Tuy vậy, báo cáo cũng lên tiếng cảnh báo và kiến nghị các quốc gia sớm bắt tay vào hành động bởi hiện tượng này có thể sẽ ảnh hưởng tới nguồn cung thực phẩm trên thế giới.
Báo cáo này là kết quả của hơn hai năm làm việc của các nhà khoa học khắp nơi trên thế giới thuộc nhiều tổ chức khác nhau của Liên Hiệp Quốc nhằm đánh giá về sự đa dạng sinh học trên Trái đất, bắt đầu từ các loài thụ phấn. Cùng với những báo cáo về tình trạng ấm lên toàn cầu, nỗ lực này cũng nằm trong mục tiêu của Liên Hiệp Quốc nhằm cung cấp cho các lãnh đạo thế giới một bản báo cáo toàn thư về những gì đang diễn ra trên Trái đất và đưa ra những đề xuất cho họ.
Theo tiasang