Các mẹ, các chị đang làm gì trên facebook vậy?

Các mẹ, các chị đang làm gì trên facebook vậy?

 

Tôi là một bà cô già U40 thích phượt, thích tự kỉ và xa lánh mạng xã hội, có lẽ chính vì thế mà tôi khó có thể cảm nhận được những hân hoan hớn hở mà mạng xã hội mang lại cho các cô bạn của tôi. Thực ra trước kia tôi có dùng facebook để kết nối bạn bè, sau dùng một thời gian thấy trên news feed nhiều các thông tin khoe của, khoe tình, khoe hạnh phúc, khoe triết lý, khoe đánh ghen, khoe bi kịch, vạch áo cho người xem lưng nhiều quá. Tôi đâm sợ, nản và cảm thấy vô vị nên tạm ngưng sử dụng mạng xã hội.

Bạn bè lâu ngày không gặp tôi chủ động gọi điện mời đi café tám chuyện. Mấy cô bạn sắp lên bà nội bà ngoại đến nơi và cứ í ới “mày vào facebook đi, tao add mày vào nhóm rồi chát với nhau cho vui”. Tôi thấy phí thời gian để tương tác kiểu vô hình như thế, tôi muốn gặp họ, nhìn thấy họ ở ngoài đời, nhìn thấy con người mà chúng tôi biết nhau, cảm nhận về nhau thực sự chứ không phải dăm ba điều vơ vẩn đăng trên mạng xã hội.

Các mẹ, các chị đang làm gì trên facebook vậy?

Những người bạn của tôi, những người phụ nữ giả vờ hạnh phúc hoặc chưa hiểu thế nào là hạnh phúc đích thực tôi đều biết họ như thế nào ở ngoài đời. Trên facebook họ khoe đủ thứ: Chồng mua cho cái nhẫn kim cương to ú ụ, nhà vừa đổi con Mẹc mới cáu, vừa tậu thêm cái nhà bên Park Hill, con cái du học trời Tây, mua vài đôi giày bằng cả năm làm quần quật của nhà nông…bạn tôi khoe nhiều lắm! Khoe như thế với mục đích gì? Chỉ đơn giản là trưng trổ cho thiên hạ thấy mình đang no nê, phè phỡn vì hạnh phúc! Để người khác nhìn thấy ghen tỵ, thèm thuồng, cảm giác phải với lên mà nhìn, để mình được ngạo nghễ trên đài chiến thắng! Cái đích cuối cùng của việc khoe là như vậy!

Thế nhưng, cô bạn ấy ngồi gặp tôi nước mắt ngắn dài, bỏ phịch cái túi hàng trăm triệu sang một bên, kéo cái váy hiệu giá ngàn đô, gác cả chân lên ghế, mặt hầm hầm như đâm lê, kể lể rằng chồng cô ấy có con riêng với bồ, những hai đứa liền, anh ta tuyên bố nếu cô không biết điều anh ta sẽ ném cái đơn ly hôn vào mặt là xong chuyện. Bạn tôi vừa kể vừa khóc, vừa uất hận vừa bí bách, chẳng hề giống với cái hạnh phúc mà cô ấy tô vẽ trên mạng xã hội chút nào cả. Rõ ràng, những món đồ vật chất xa xỉ mà chồng cô ấy tặng lại chẳng thể mang lại hạnh phúc cho cô ấy như cái cách mà cô ấy trưng trổ trên facebook làm ai cũng nghĩ cô ấy viên mãn quá!

Kể lể một hồi về cuộc đời sầu thảm, cô ấy quẹt vội dòng nước mắt rồi chốt một câu “chính ra như mày lại sướng, chả phải phụ thuộc vào bố con thằng nào. Đời ung dung tự tại, thích làm gì thì làm…” tôi chỉ cười mà chả biết nói gì, rõ ràng trên đời ai cũng có sự lựa chọn cho bản thân mình cơ mà. Nếu không đủ dũng cảm để sống cuộc đời mà mình muốn thì chấp nhận sống cuộc đời mà người khác muốn mình như thế! Đấy, cái sự thật tôi muốn trò chuyện với bạn tôi không phải để chứng kiến cái thảm hại mà cô ấy đang gánh chịu, mà là tôi biết những thứ phù phiếm bạn tôi đăng hàng ngày trên mạng xã hội, đâu đó chỉ là sự an ủi với những tổn thương mà cô ấy đang mang trong lòng. Kiểu như một kẻ sắp mất trắng những vẫn cố thị uy chính bản thân mình rằng mình là kẻ chiến thắng đây, mình đang hạnh phúc đây, trên một sân khấu cuộc đời nào đó, và may thay mạng xã hội như một khán đài lớn với hàng trăm, hàng nghìn những bộ mặt giả tạo đang vỗ tay hoan hỉ cho nhân vật chính!

Các mẹ, các chị đang làm gì trên facebook vậy?

Ngồi một lát thì cô ấy đi, cũng chẳng khuyên bạn điều gì, những người có cái Tôi to tướng luôn khó có cái lỗ tai biết lắng nghe, nhất là họ đã quen được ve vuốt bằng những lời phỉnh nịnh (nhiều khi là điêu trá) trên mạng xã hội nên họ khó có thể bớt đi cái tự tôn, kiêu ngạo để nhìn nhận vấn đề lắm!

Có cô bạn lại mắc cái bệnh than thở trên mạng xã hội. Có lần tôi vào mạng thấy một loạt stastus của cô ấy mà tôi ngỡ như cô ấy sắp phải vào trại tâm thần đến nơi: chồng đi đá bóng về muộn, than! Con ốm sốt, than! Lương lĩnh thiếu, than! Mẹ chồng nói nặng lời, than! Bạn bè giàu hơn, than! Đồng nghiệp tị hiềm, chơi xấu, than! Bản thân béo như một nái sề, than! Tôi mường tượng ra chân dung của một ả nỏ mồm chỉ cần dùng lời than thở của mình là đủ giết chết cả một cuộc hôn nhân rồi cái kết là vào trại tâm thần để chữa bệnh than, từ những gì mà tôi chứng kiến cô ấy viết trên mạng xã hội!

Gặp cô ấy, câu đầu tiên là “chán lắm!” thế là câu chuyện bắt đầu có vẻ chán thật! Tôi “stop” chủ đề than thở của cô ấy lại và  gợi lại cho cô ấy những niềm vui ngày xưa mà tôi biết cô ấy đã từng có, gợi lại những điều lạc quan mà cô ấy đã từng sở hữu… người đàn bà chưa từng hiểu thế nào là hạnh phúc bỗng vỡ ra “ừ, sao tao lại không nghĩ theo hướng khác nhỉ? Chỉ cần nhìn lại thì thấy mình còn sướng hơn khối đứa…”. câu chuyện sau đó đã được chuyển theo hướng khác, vui vẻ và tích cực hơn! Tôi không biết sau cuộc nói chuyện ấy, cô ấy đã bớt than thở với chồng con ở nhà chưa nhưng thi thoảng tôi vào mạng xã hội thì đã không còn thấy những stastus kể lể bi kịch nữa, quả thật khiến người ta nhẹ nhõm hơn hẳn.

Các mẹ, các chị đang làm gì trên facebook vậy?

Khoe và than là hai căn bệnh của các mẹ, các chị tham gia mạng xã hội. Thực ra tốt khoe xấu che (kể cả xấu khoe) cũng là tâm lý bình thường ở mỗi người. Nhưng khoe thế nào, than thế nào, khoe với ai, than với ai lại là cách mà chúng ta cần phải có điểm dừng và lựa chọn đối tượng. Điều mà cuộc sống này cần luôn là những giao tiếp cụ thể, với những người bạn thực sự chứ không phải khi bạn buồn bạn ra giữa đường gào thét với đám đông, bạn vui bạn mang hết đồ hiệu ra ngã ba đường mà vênh vang, hể hả. Cần phải biết phân định rạch ròi giữa thực và ảo, bởi nhiều khi chúng ta cứ nghĩ rằng “mình có thể giả với người khác nhưng mình thật với chính mình là được”, thực tế thì chúng ta đã đánh mất mình thông qua những điều giả dối mà chúng ta tô vẽ và ám thị trên mạng xã hội.

Các chị, các mẹ đang làm gì trên facebook vậy?

Bích Liên

 

 

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.