Cách các phi công đối phó với điều kiện thời tiết bất ổn có thể là một trong số những nguyên nhân khiến chiếc máy bay QZ8501 của AirAsia biến mất sáng qua.
Chiếc phi cơ mang số hiệu QZ8501 chở 155 hành khách và 7 thành viên tổ bay đang trên đường từ Indonesia tới Singapore sáng 28/12 thì mất tích. Thời tiết diễn biến xấu và mưa xối xả tại thời điểm máy bay mất liên lạc với trạm kiểm soát không lưu làm dấy lên mối nghi ngờ rằng điều kiện thời tiết khắc nghiệt có thể là một trong số những nguyên nhân gây ra vụ việc.
Nhân viên sân bay Changi cầm tấm biển chỉ dẫn thân nhân của các hành khách trên chuyến bay số hiệu QZ8501 của hãng hàng không AirAsia. (Ảnh: Reuters)
Một phút trước khi mất tín hiệu, phi công đã yêu cầu nâng độ cao của máy bay vì thời tiết bất ổn. Nhà khí tượng học Karen Maginnis cho biết hành động này nhiều khả năng nhằm đưa máy bay tránh khỏi vùng không khí nhiễu động.
Thời tiết xấu
“Nhiễu loạn không khí không thể khiến một chiếc máy bay rơi”, CNN dẫn lời Maginnis nói. “Có lẽ việc xin nâng độ cao là cách mà phi công phản ứng trước những cơn nhiễu động. Cũng có thể phi cơ bay quá gần một cơn bão nào đó. Có rất nhiều trường hợp phải tính đến”, ông cho biết thêm.
Theo chuyên gia hàng không Richard Quest, thời tiết xấu “tự nó không thể khiến máy bay rơi”. “Có lẽ vấn đề trong trường hợp này nằm ở cách mà viên phi công phản ứng trước điều kiện thời tiết”, ông Quest nói.
Ảnh vệ tinh chụp thời tiết trên không phận Indonesia thời điểm máy bay mất tích. (Ảnh: BBC)
Các phi công cần có nhận thức sâu sắc và được đào tạo để đối phó với mưa lớn và lũ lụt nghiêm trọng trong khu vực, ông Maginnis cho hay. Cũng có khả năng phi công gặp phải thời tiết gió mùa. Họ nhất định phải trải qua huấn luyện để đối phó với tình huống này, ông cho biết thêm.
Cơ trưởng và cơ phó điều khiển chiếc phi cơ có tổng cộng đến 8.000 giờ bay. Điều này cho thấy họ đều là những người “có đủ kinh nghiệm”, ông Quest đánh giá.
Theo Mary Schiavo, cựu tổng thanh tra Sở Giao thông Vận tải Mỹ, nhà phân tích hàng không từ CNN, thời tiết nhiều khi thay đổi rất nhanh chóng và các phi công có quá ít thời gian để hành động. “Điều kiện thời tiết xấu có thể gây ra những tác động, ảnh hưởng ở độ cao lên tới gần 16.000m, trong khi tầm bay tối đa của phi cơ chỉ là 12.000m, vì thế họ không có nhiều lựa chọn”, ông nhận xét.
Trục trặc kỹ thuật
Vị trí ước lượng nơi máy bay AirAsia mất tích. (Đồ hoạ: MediaCorp)
Neil Hansford, Chủ tịch công ty Giải pháp Hàng không Chiến lược, nói với Herald Sun rằng ông tin chiếc máy bay mất tích ít có khả năng gặp trục trặc kỹ thuật trước khi nó biến mất.
“Chiếc máy bay mới hoạt động được 6,3 năm. Cơ quan quản lý Indonesia đã thực sự đầu tư vào cơ sở hạ tầng và đã nâng cao tiêu chuẩn của mình lên trong vài năm qua”, ông nói và cho biết thêm tiêu chuẩn đào tạo phi công của Indonesia cũng khá cao.
Giả thiết khủng bố
Một trong những giả thiết về không tặc phổ biến khi MH370 biến mất là những kẻ khủng bố đã chuyển hướng máy bay tới Trung Đông.
Ông Hansford nói rằng giả thiết trên không thể xảy ra với QZ8501. “Đây là một trường hợp rất khác MH370. Chiếc máy bay này không có khả năng bay quá xa để thực hiện một đường vòng lớn”, ông cho biết nhưng không loại trừ đây là sự cố liên quan đến khủng bố.
Thân nhân các hành khách trên chuyến bay số hiệu QZ8501 bị mất tích chờ đợi tại sân bay. (Ảnh: Twitter)
Trong khi đó theo nhật báo China Press của Malaysia, cảnh sát cho biết cho đến thời điểm này, họ chưa nhận được thông tin hay bằng chứng rằng vụ việc chiếc máy bay mất tích có liên quan đến hoạt động khủng bố.
Vài giờ sau khi chiếc máy bay biến mất, Bộ Giao thông Vận tải Malaysia thông báo khởi động chiến dịch tìm kiếm cứu hộ. “Họ cần tiến hành rà soát trên biển nhưng không nhất thiết là chỉ tìm chiếc máy bay. Bất kỳ manh mối nào cũng đều quan trọng“, Schiavo nói.
Theo ông Maginnis, nếu so sánh với chiến dịch tìm kiếm chiếc phi cơ MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines mất tích hồi tháng 3, nhiệm vụ lần này có thể không lớn bằng. Tuy nhiên, đó vẫn là “một khu vực khá rộng”.