Các nhà khoa học đã biết chính xác trong phân chúng ta có những gì

Các nhà khoa học đã biết chính xác trong phân chúng ta có những gì

Nghe có vẻ hơi mất vệ sinh, nhưng đây lại là biện pháp chữa được bệnh xơ cứng tế bào, bệnh viêm đường ruột Crohn, táo bón, các triệu chứng đường tiêu hóa và cả bệnh Parkinson.

Việc cấy ghép nội tạng, tay, chân hay thậm chí là ghép mắt cũng không phải điều gì mới mẻ, xa lạ. Nhưng bạn đã nghe thấy việc cấy ghép phân từ người này qua người khác chưa? Nếu chưa thì bạn đã được khai sáng chút ít rồi đó, khi mà việc cấy ghép phân có thể chữa được rất nhiều bệnh.

Nghe hơi kinh dị và mất vệ sinh, làm sao mà việc cấy ghép phân có thể giúp người nhận sống tốt hơn được? Một nghiên cứu mới đã cho chúng ta biết được chính xác thành phần trong phân là gì, và từ đó nghiên cứu được việc cấy ghép phân sẽ giúp được người bệnh như thế nào.

Các nhà khoa học đã biết chính xác trong phân chúng ta có những gì
Nghe hơi kinh dị và mất vệ sinh, làm sao mà việc cấy ghép phân có thể giúp người nhận sống tốt hơn được?

“Không nghi ngờ gì việc phân có thế cứu sống người”, giáo sư sinh vật học Seth Bordenstein tại Đại học Vanderbilt nói. “Vào thời điểm này, việc cấy ghép phân chỉ được đưa vào sử dụng khi mà bác sĩ không còn cách nào khác, nhưng việc cấy ghép này mang lại những hiệu quả nhất định làm cho các nhà nghiên cứu tự hỏi rằng: bao giờ thì phương pháp này được sử dụng đại trà?”

Nhưng việc này không hề mới mẻ. Tại Trung Quốc, việc cấy ghép phân đã được sử dụng từ thế kỷ thứ 4. Gần đây hơn, vào thế kỷ thứ 16, việc cấy ghép phân được đặt cho một cái tên đỡ ghê hơn, đó là “súp màu vàng”. Một lịch sử dài như vậy, nhưng y học phương Tây mới sử dụng phương pháp này trong 5 năm trở lại đây.

Như nhà nghiên cứu Bordenstein đã chỉ ra, tới năm 2010, có chưa tới 10 bài nghiên cứu khoa học về việc cấy ghép phân người được đưa ra, nhưng chỉ trong năm vừa rồi, số lượng bài nghiên cứu đã lên tới con số 200.

Tại sao tự nhiên việc này lại được quan tâm đến vậy? Không tự nhiên đâu, một phần chuyện này có thể được giải thích bằng việc cấy ghép phân đã chữa trị thành công một loại tiêu chảy nguy hiểm, đã giết chết 29.000 người tại Mỹ trong đại dịch tiêu chảy năm 2011.

Các nhà khoa học đã biết chính xác trong phân chúng ta có những gì
Cấy ghép phân có thể chữa được nhiều bệnh?

Ngoài ra, việc cấy ghép này còn giúp chữa nhiều bệnh xơ cứng tế bào, bệnh viêm đường ruột Crohn, táo bón, các triệu chứng đường tiêu hóa và cả bệnh Parkinson. Vậy trong phân có những thành phần gì khiến cho nó chữa đuợc nhiều bệnh như vậy?
Trong khi đa số nghiên cứu tập trung vào vi khuẩn trong phân, nhà sinh vật học Bordenstein nói rằng trong đó còn rất nhiều thành phần khác có thể chữa bệnh.

“Phân là một loại vật chất chứa rất nhiều thông tin sinh học cũng như các thành phần hóa học có thể giúp đỡ rất nhiều trong y học, khi chúng được cấy ghép vào cơ thể người bệnh”.

Mỗi một gram phân chứa khoảng 100 tỷ vi khuẩn, và trong cùng một gram ấy cũng chứa xấp xỉ 100 triệu virus và vi khuẩn cổ (một loại cơ thể sống đơn bào đã từng được coi là vi khuẩn).

Bên cạnh đó, cũng trong một gram phân ấy chứa tầm 10 triệu tế bào biểu mô ruột kết (loại tế bào giúp bảo vệ ruột kết), cả triệu chất men và các loại nấm đơn bào khác.

Các nhà khoa học đã biết chính xác trong phân chúng ta có những gì
Những nghiên cứu này đã mang lại một phương pháp điều trị mới, phương pháp cấy ghép phân tiên tiến.

“Nghiên cứu này mới chỉ bắt đầu”, nhà nghiên cứu Bordenstein nói. “Tất cả những nghiên cứu này được định hướng bằng hình mẫu của ngành vi trùng học trong cơ sinh vật, chuyên ngành này nhận diện rằng mọi sinh vật sống đều chứa trong mình những vi khuẩn có ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe của vật chủ và cả tới tiến hóa”.

Không chỉ đơn là hiểu hơn về thứ mà chúng ta vẫn thải ra hàng ngày, những nghiên cứu này đã mang lại một phương pháp điều trị mới, phương pháp cấy ghép phân tiên tiến. Và khi các nhà khoa học tìm ra cách điều chế, tổng hợp loại thuốc mới này vào trong một viên thuốc, thì việc chữa trị bằng cách cấy ghép phân sẽ tiến được một bước dài, khiến cho công chúng dễ chấp nhận hơn một phương pháp chữa trị nghe chừng có vẻ hơi mất vệ sinh này.

 

Theo Trí Thức Trẻ