Con người đã từng lên Mặt Trăng và từng khám phá hầu hết mọi ngóc ngách của Trái Đất. Nhưng có một nơi họ chưa từng đến: trong lòng đất.
Theo CNN, một nhóm các nhà khoa học Nhật Bản nói rằng họ sẽ là những người đầu tiên khoan sâu vào lớp phủ trong lòng đất (lớp mantle), nơi có các lớp đá nóng chảy, nằm dưới lớp vỏ bề mặt Trái Đất.
Các nhà nghiên cứu tại Cơ quan Khoa hoạc và Công nghệ Đại dương – Trái đất của Nhật Bản (JAMSTEC) nói rằng họ hy vọng sẽ khám phá thêm về cách Trái Đất hình thành và cấu tạo của lớp phủ. Truyền thông Nhật Bản đưa tin về dự án này trong đầu tuần qua.
Lớp phủ (mantle) của Trái Đất chiếm hơn 80% của toàn bộ cấu tạo hành tinh, nằm cách đáy biển khoảng 10km.
Cấu tạo lớp vỏ Trái đất.
Nhà nghiên cứu Natsue Abe của JAMSTEC, nói: “Chúng ta chưa từng biết chính xác lớp phủ của Trái Đất. Chúng ta chỉ nhìn thấy một số vật chất của lớp phủ này – những viên đá rất đẹp, loại đá màu xanh hơi vàng”.
Chính phủ Nhật Bản, nơi tài trợ cho dự án này, hy vọng cuộc nghiên cứu có thể giúp phát hiện ra cách dự đoán các trận động đất.
Nhà nghiên cứu Abe nói: “Ở Nhật Bản, chúng ta có các núi lửa, động đất và các thảm họa thiên nhiên. Người dân muốn có các thiết bị phân tích và giám sát nhưng chúng ta không biết nên sử dụng yếu tố gì. Vì vậy chúng tôi cần biết về hệ thống tự nhiên rõ ràng và chính xác hơn…Chúng ta phải quan sát Trái Đất chính xác hơn”.
Hành trình vào lòng Trái đất. (Ảnh: JAMSTEC/ CNN).
Bà Abe cho biết cơ quan nghiên cứu đang xem xét 3 điểm khoan, tất cả đều ở Thái Bình Dương, trong đó một ở Hawaii, một ở Costa Rica, và ở Mexico.
Để tiếp cận được lớp phủ Trái Đất, JAMSTEC muốn sử dụng một trong những tàu khoan tiên tiến nhất hiện nay, tàu Chikyu.
Tàu khoan Chikyu.
Bà Abe nói: “Đây là con tàu khoan lớn nhất trong lĩnh vực khoa học này của chúng ta, vì vậy khả năng khoan gấp 3 lần các tàu trước đây”.
Bà Abe cũng cho biết cơ quan nghiên cứu đã từng khoan và lấy mẫu từ đáy biển nhưng chỉ trên bề mặt. Theo dự kiến, dự án khoan lớp phủ Trái đất bắt đầu muộn nhất vào năm 2030.
Bà Abe cho biết: “Nếu chúng ta khoan sâu vào lớp phủ, chúng ta sẽ biết toàn bộ lịch sử của Trái đất. Đó là động lực của dự án nghiên cứu này”.