Các nhà khoa học Trung Quốc tạo ra loại tơ siêu bền dẫn được cả điện

Khi mà ngành công nghiệp dệt tơ đi xuống, thì đây có thể là chiều hướng mới cho những con tằm được nghiên cứu và phát triển.

Tơ là một loại vật liệu tự nhiên tuyệt vời đã được con người khai thác suốt chiều dài lịch sử phát triển. Đó là một loại sợi protein tự nhiên và là một trong những sợi dẻo dai nhất, thường được thu hoạch từ loài nhộng tằm.

Ngành công nghiệp tơ đã có chiều hướng đi xuống trong khoảng thời gian 50 năm qua bởi một “thế lực” khác đã dần thay thế nó, đó là những loại sợi tổng hợp và điển hình nhất là sợi nilon. Nhưng đó vẫn chưa phải là điểm kết cho những sợi tơ ta vẫn dùng nhiều ngàn năm nay, các nhà nghiên cứu vẫn đang tìm kiếm một loại tơ mới và vẫn cần tới sự giúp đỡ của những loài tằm ấy.


Những sợi tơ này còn có khả năng dẫn điện.

Tuần qua, một nhóm các nhà hóa học Trung Quốc đã công bố rằng họ đã tạo ra được một loại tơ có sợi dẻo dai hơn, cứng cáp hơn bởi một loài nhộng có “chế độ ăn” rất đặc biệt: là ống nano carbon và graphen.

Ý tưởng về những loại tơ siêu bền này không phải là mới. Trong quá khứ, các nhà nghiên cứu đã cho thêm vào tơ phẩm màu nhuộm, những thành phần kháng khuẩn, chất polymer có khả năng dẫn điện hay những hạt nano vào trong sợi tơ. Hoặc họ đưa thẳng những thứ ấy vào sợi hoặc họ biến những chất ấy làm thức ăn cho loài tằm.

Ban đầu, những nhà nghiên cứu Trung Quốc không tìm ra cách đưa được những thành phần ấy vào trong con tằm, Nhưng rồi họ tìm ra một cách thức rất đơn giản. Những nhà nghiên cứu tiến hành phun lên lá dâu một loại dung dịch chứa ống nano carbon và graphen. Tằm ăn loại lá cây ấy và sau này, tơ của chúng nhả ra có được tính chất của một loại tơ siêu bền.


Chỉ đơn giản là phun hợp chất ấy lên lá dâu cho tằm ăn.

“Phương thức cho ăn theo kiểu truyền thống như vậy sẽ dễ dàng tiến hành được trên quy mô lớn, tạo nên một đường phát triển mới cho sản xuất tơ siêu bền trên diện rộng”, những nhà nghiên cứu Trung Quốc nói. “Tuy nhiên vẫn còn những câu hỏi chúng tôi cần phải trả lời được trước khi tiến hành nghiên cứu, ví dụ như lượng nano carbon thế nào là đủ cho một khẩu phần ăn của một con tằm, hay quá trình tạo tơ sẽ bị ảnh hưởng như thế nào với những vật chất thêm vào như thế”.

“Cần phải nghiên cứu thêm”, họ nói như vậy nhưng đây vẫn là một bước tiến mới, khi mà loại tơ siêu bền này cứng cáp hơn tơ thường khoảng 50%, thậm chí chúng còn có khả năng dẫn điện. Rất có thể loại tơ này sẽ được sử dụng trong cả đồ điện tử trong tương lai. Vẫn còn rất nhiều ứng dụng khác nữa và loài tằm vẫn chứng minh được chỗ đứng của mình trong suốt hàng nghìn năm lịch sử loài người.

 

Theo Trí Thức Trẻ