Cách chơi và trò chuyện giúp kích thích trí não bé qua từng tháng

Tháng đầu đời: Bé rất thích được nghe tiếng nói nhẹ nhàng dịu dàng của mẹ. Và có thể bé sẽ “tiếp chuyện” với mẹ đấy, không phải bằng lời mà bằng cử động và âm điệu thôi.

Vì thế mẹ hãy thường xuyên nói chuyện thành lời với con nhé. Mẹ có thể hát ru bé những khi bế bồng, nói chuyện với bé khi vệ sinh cá nhân cho con hoặc miêu tả thế giới xung quanh khi cho bé ra tắm nắng. Điều này sẽ giúp tăng cường mối liên kết giữa mẹ và con; đồng thời kích thích sự phát triển trí não của bé đấy!

Tháng thứ 2: Các bé đã bắt đầu sử dụng việc “giao tiếp bằng mắt”. Vì thế, khi nói chuyện mẹ nên nhìn vào mắt bé, âu yếm gọi tên bé. Bé cũng bắt đầu phân biệt được thái độ của mẹ qua giọng nói và cử chỉ rồi đấy. Mẹ nên cười đùa với bé mọi lúc có thể; thậm chí là cười to cũng được, không khí hưng phấn, vui vẻ rất tốt cho sự phát triển của con.

Tháng thứ 3: Từ tháng này trở đi, bé bắt đầu thích thú khi mẹ chơi trò “ú òa”. Mẹ có thể lấy tay che mặt rồi thể hiện các kiểu mặt khác nhau khi bỏ tay ra. Tuy nhiên đừng nên hét to, vì bé có thể giật mình do nhạy cảm với âm thanh đột ngột.

Hoặc mẹ có thể “nhái giọng” bé khi nói chuyện, tạo cảm giác thân mật và gần gũi với bé. Cũng có thể dùng các con rối ngón tay để kể chuyện cho bé nghe.

Tháng thứ 4: Bé bắt đầu dùng tay để nghịch với mẹ: Ví như nếu mẹ đưa ngón tay ra thì bé sẽ nắm rất chặt. Bé cũng thích các trò giả tiếng động của mẹ: như tiếng “zì zì” của xe máy, ô tô, tiếng “bíp bíp” của còi xe.

Mẹ nên kết hợp động tác thân thể khi nói chuyện với bé. Có thể cho bé nghe nhạc, cho bé chơi các trò luyện phản xạ của mắt và tay (để con nằm dưới cái babygym hoặc chơi đồ treo cũi chẳng hạn).

Tháng thứ 5: Giờ đây trò yêu thích của các bé là những món đồ chơi có thể thả ra kéo lại. Hoặc các món đồ chơi có thể luyện sự cầm nắm của các bé: các quả bóng nhỏ mềm bằng cao su hoặc các vòng xúc xắc.

Mẹ có thể “thiết kế” những món đồ chơi giúp bé rèn luyện khả năng co kéo của tay giúp tay vững hơn, bằng cách buộc 1 đoạn dây vào 1 vòng gỗ và chơi trò kéo thả với bé.

Tháng thứ 6: Trò chơi “bắt chước”: Giai đoạn tập ngồi, bé đã có thể chơi nhiều trò vận động tay chân với mẹ hơn. Mẹ có thể vỗ tay vào nhau tạo tiếng kêu để bé bắt chước. Hoặc “nhái” điệu bộ khi nghe một bài hát trẻ con để bé làm theo. Lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ giúp bé ghi nhớ trong đầu và tạo thành thói quen.

Trò chơi “cái gì đây?”: Mẹ có thể bắt đầu chỉ vào các hình trong sách và nói cho bé biết đây là cái gì, con gì,… Mỗi ngày chơi trò đó 10 phút thôi cũng sẽ giúp các bé quen với cách gọi tên, và rồi bé sẽ nhớ và có phản xạ khi mẹ hỏi lại.

Phản xạ “đi ngủ”: nếu ngay từ bé con đã được nghe mẹ hát ru hoặc bật cho nghe một điệu nhạc khi đi ngủ, thì bây giờ mẹ sẽ ngạc nhiên khi thấy bé “bỗng dưng hiểu lệnh”. Nhưng không nên hát 1 bài quá dài, bé sẽ không thể nhớ hết được. Đơn giản chỉ cần nói nhẹ nhàng: “À à ơi, con ngoan ngủ đi nào” là đã có thể đưa bé vào giấc ngủ đc rồi.

Tháng thứ 7: Một số trò chơi trong nhà rất thú vị cho bé tầm tháng này:

– Khi lau người cho bé sau khi tắm, mẹ có thể chơi trò ú òa với bé bằng cách trùm khăn tắm lên đầu và để bé “đi tìm”.

– Mẹ “trốn” sau cái rèm, giả tiếng động hoặc tiếng thú vật để tạo sự chú ý của bé.

Bé tầm tháng này đã phân biệt được khá rõ các mối quan hệ trong nhà (đâu là bố, đâu là mẹ, đâu là ông bà, đâu là cậu, đâu là dì) thông qua âm điệu giọng nói của mỗi người. Bé cũng có các ghi nhớ ngắn hạn về một cái gì đó. Tuy nhiên qua ngày hôm sau thì có thể bé lại quên. Vì vậy mẹ nên kiên trì nhắc đi nhắc lại cho bé để bé có thể nhớ sâu hơn.

Tháng thứ 8: Mẹ sẽ thấy bé rất thích nghịch điện thoại, điều khiển TV, ngắm đồng hồ hay lịch treo tường. Đó là vì bé bắt đầu có hứng thú với những con số. Khi chơi với bé, mẹ có thể chỉ cho bé đây là số mấy, hoặc tìm 1 số giữa các đồ chơi khác. Bé cũng thích phân biệt mặt người khi chơi các loại tranh ảnh.

Tháng thứ 9: Cho bé ngồi trước gương và mẹ chỉ cho bé đâu là tay, đâu là đầu, đâu là chân,… của bé. Vừa nói vừa giơ tay/chân hoặc chỉ vào đầu bé để bé biết. Mẹ nên dùng những câu chỉ rõ sở hữu: “Đây là đầu của An/ Đây là chân của An,…” để bé phân biệt với “đầu của mẹ”, “chân của mẹ”.

Sau đó mẹ có thể chỉ vào những bộ phận đó và hỏi lại để bé chỉ. Lưu ý là nên dạy cho bé theo thứ tự trên dưới, trước sau: ví như chỉ đầu, rồi đến mũi, rồi mới đến miệng. (Khi bé 2 tuổi, mẹ có thể dạy bé kỹ hơn về từng bộ phận: phân biệt khuỷu tay với cánh tay với bàn tay chẳng hạn).

Tháng thứ 10 – 11: Mẹ có thể chỉ cho bé hình các con vật, sau đó nhái tiếng của chúng để bé phân biệt. Ví như mẹ có thể nói: Đây là con chó, nó kêu “gâu gâu” để bé có thể bắt chước theo. Đây là cách để bé vừa chơi vừa học, giúp con nắm các từ vựng một cách dễ dàng hơn.

Tháng thứ 12 – 23: Rủ bé chơi trò “Cái gì đây?”: Cả mẹ và bé cùng cho tay vào 1 túi vải, bên trong có bỏ 1 món đồ ăn hoặc đồ chơi. Mẹ sẽ hỏi “Đố con biết hôm nay ăn gì nào?” để bé đoán thông qua việc sờ mó hình dạng của món đồ trong túi.

Trò chơi này sẽ giúp bé tăng khả năng nhận biết đồ vật thông qua hình dạng của chúng. Và cũng giúp bé nhớ tên gọi của các đồ vật nhanh hơn.

Trò chơi: “Rối ngón tay”: Mẹ chỉ cần lấy 1 cái bút dạ hoặc bút bi, vẽ vài hình đơn giản để kể một câu chuyện ngắn cùng với bé. Trò này giúp bé học các bài hát, nhớ các câu chuyện một cách dễ dàng. Qua đó cũng giúp bé tăng khả năng biểu đạt bằng ngôn ngữ.

Trò chơi: “Ai nói giỏi hơn”: Mẹ nói một từ rồi yêu cầu bé nhắc lại xem có đúng hay không. Bắt đầu bằng những từ một âm tiết đơn giản như cá, bò, gà,…; rồi tăng lên những từ phức tạp hơn: con cá, cái cây.

Trò chơi này giúp bé học từ vựng và học cách phát âm chuẩn.

Có thể nâng cao trò này bằng cách chỉ phát âm câm: nói mà ko ra tiếng để bé nhìn miệng mà nói theo. (Bé có thể nói theo kiểu trẻ con, mẹ có nhiệm vụ uốn nắn nếu bé phát âm ngọng hoặc chưa đúng. Nhưng không nên đặt nặng vấn đề sửa sai, vì đây vẫn là một trò chơi thôi mà!)

Trò chơi: “Ai nhanh hơn”: Mẹ có thể cong người để tạo một “đường hầm” bằng bụng để bé bò qua. Và đột nhiên mẹ kêu lên “Đường hầm sắp sụp rồi, ai không bò nhanh sẽ bị bẹp!” để hối thúc bé bò qua cho nhanh. Trò này giúp tăng khả năng phản ứng của bé, đồng thời cũng là một bài thể dục cho mẹ luôn.

Vậy đấy, những trò chơi và cách giao tiếp trên tuy đơn giản nhưng lại giúp kích thích trí não của bé phát triển đáng kể. Các mẹ hãy cùng tham khảo nhé!

Honey Bee

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.