Khi con gái còn nằm trong bụng mẹ, tôi đã đọc rất nhiều sách của Anh và Mỹ hướng dẫn các ông bố bà mẹ cách nuôi dạy con. Quyển nào cũng viết rằng: đọc cho con nghe, nói chuyện với con từ những ngày đầu tiên con ra đời, là việc làm tốt nhất để phát triển trí tuệ cho con.
Bằng cách đó, bạn sẽ dạy cho con các kỹ năng quan trọng bậc nhất của con người: kỹ năng nghe hiểu, nói, và đọc hiểu. Lúc đó, tôi cũng nửa tin nửa ngờ, nhưng vì không biết cách nào hay hơn, nên tôi làm thử.
Vì bị vàng da sinh lý, phải nằm đèn, nên đến ngày thứ 11 con tôi mới được xuất viện. Bắt đầu từ ngày đó, hàng ngày, tôi tận dụng mọi khoảng thời gian con thức, để nói chuyện với con, và đọc cho con nghe.
Lúc nói chuyện, tôi hay âu yếm xao tay hoặc chân con, mắt luôn nhìn thắng vào mắt con. Tôi kể cho con nghe mọi việc xảy ra, mọi ý nghĩ chợt đến trong đầu vào lúc đó
Khi làm bất cứ việc gì, tôi đều mô tả cho con về việc mình làm, ví dụ: khi con vừa ngủ dậy, tôi vừa mở cửa sổ vừa nói: “Con nằm yên (hoặc ngồi yên) để mẹ đi mở cửa sổ. Con biết tại sao phải mở cửa sổ không: mở để không khí trong lành và ánh sáng tràn vào nhà, để mẹ con mình được đón gió. Con có thấy không, khi mẹ mở cửa, ánh mặt trờ chiếu vào, căn phòng sáng bừa lên….”.
Ảnh minh họa
Tôi có thể “luyên thuyên” tiếp về mặt trời, mặt trăng, mây, gió…Hồi đó, nhiều lúc tôi tự nghĩ mình như một kẻ “dở người”, cứ nói đủ thứ chuyện “trên trời dưới bể” với một em bé mới hơn 10 ngày tuổi.
Nhưng tác dụng đến rất nhanh và chỉ sau độ 3 tuần dù ở bất cứ vị trí nào trong phòng, chỉ cần tôi cất tiếng nói, là con dõi mắt về phía đó. Tôi cứ nói chuyện với con suốt ngày như vậy, tuy nội dung câu chuyện thay đổi dần để phù hợp, khi con lớn lên.
Cũng bắt đầu từ ngày thứ 11, mỗi ngày tôi đọc cho con nghe quãng 4-5 lần (cả sách tiếng Anh và tiếng Việt). Tôi chọn những quyển sách tiếng Anh có tranh vẽ minh họa đẹp. Còn sách tiếng Việt, tôi lấy nội dung rồi tự viết lại bởi, rất khó chọn được các quyển sách Tiếng Việt với câu văn và ngữ pháp chính xác, không có lỗi chính tả.
Lúc đầu mỗi lần đọc độ 5 -10 phút, sau tăng dần lên 15-20 phút khi con đã biết ngồi. Khi đọc tôi lưu ý đọc chậm rãi, đọc đến từ nào, dùng ngón tay chỉ vào dưới từ đó để con vừa nghe âm thanh, vừa nhìn vào mặt chữ, cũng là một cách dạy bé đọc.
Lúc đầu, khi thấy sách viết bằng cách đó, trẻ con sẽ tự biết đọc vào lúc 3-4 tuổi, tôi không tin tí nào. Tuy không tin, nhưng vì không thấy nó có hại gì, thì tôi cứ làm theo. Không ngờ, vào một buổi tối lúc con gái chừng gần 4 tuổi, tôi đang đọc, thấy con leo lẻo đọc theo. Tôi im bặt, con vẫn đọc tiếp, thế là tôi bế xốc con lên, nhảy múa reo hò ầm ĩ, “Con biết đọc rồi, con gái mẹ giỏi quá”.
Con gái tôi đã biết đọc cả tiếng Việt va Tiếng Anh như vậy đó. Ai có con còn bé, nên làm thử ngay nhé. Nhưng để làm được, đòi hỏi bố hoặc mẹ phải kiên trì trong 4 năm trời – bạn sẽ được trả công xứng đáng.
Khi mẹ nói chuyện với con, hoặc đọc cho con nghe, đừng bao giờ dùng giọng nựng nịu. Hãy nói và đọc bằng giọng càng chuẩn và càng rõ ràng càng tốt. Nếu bạn nói nựng bằng giọng ngọng nghịu, âm thanh đập vào tai sẽ dạy cho bé nói giọng đó. Rồi sau này, khi bắt đầu nói, bạn lại thắc mắc sao bé nói ngọng?
Khi con gái độ 7-8 tháng, tôi bắt đầu vừa đọc, vừa rủ bé diễn kịch theo sách. Ví dụ: đọc truyện về con chó, con mèo, tôi sẽ phân công: con làm con chó, mẹ làm con mèo. Lúc đầu, một mình tôi diễn, con ngồi xem. Sau đó, từ lúc con độ 11 tháng, đã có thể đóng một số vai đơn giản khi được hướng dẫn.
Khi đưa con ra ngoài, tôi đều tận dụng mọi việc xảy ra xung quanh để thủ thỉ trò chuyện cùng con, giải thích cái hay, dở, đúng sai. Khi con lớn hơn một chút, tôi hay đặt ra các câu hỏi để con suy nghĩ và nêu nhận xét cá nhân, rồi hai mẹ con trao đổi quan điểm. Bằng cách đó, tôi hướng dẫn cho con logic suy nghĩ, phân tích, so sánh các phương án, để giải quyết vấn đề. Tôi không báo giờ áp đặt chính kiến, hoặc bắt con làm theo ý mình, mà không giải thích cặn kẽ nguyên nhân và hậu quả.
Và dù con tôi đã biết đọc từ khi chưa tròn 4 tuổi, cứ mỗi buổi tối, sau khi ăn tối, tôi và con lên phòng ngủ: tôi ngồi cùng phòng, tuy hầu hết thời gian con tự đọc hoặc học. Chúng ta vẫn phải nhớ rằng, cho đến 11- 12 tuổi, trẻ con rất sợ ngồi một mình, nếu phải ngồi một mình trong phòng, chúng sẽ không thể tập trung vào việc đọc hoặc học.
Dù bây giờ con đi học nội trú tại Anh từ khi chưa tròn 9 tuổi, nhưng mỗi dịp nghỉ của con, tôi đều dành thời gian buổi tối, để làm mọi việc trong cùng phòng với con, cho đến giờ con đi ngủ.
Bằng những cách như trên, tôi tin chắc rằng các bà mẹ Việt sẽ có thể hướng con đến một sự phát triển hoàn thiện, trong sáng.
Theo Bích Hà (Vietnamnet)
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.