Cách đơn giản giữ gìn răng bé thật trắng khỏe

 

Có thể mẹ nghĩ rằng răng sâu chỉ đơn giản là khi bắt đầu xuất hiện một chiếc lỗ nhỏ ở răng? Sự thực không phải như vậy. Quá trình răng sâu diễn ra từ trước đó rất lâu rồi và lỗ răng sâu là giai đoạn sau được nhìn bằng mắt thường. Răng sâu không chỉ khiến bé “bớt” xinh xắn đi, mà còn ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của con nữa. Đáng tiếc là hầu hết các bé đều bị sâu răng vì chưa biết vệ sinh đúng cách. Vì vậy, mẹ cần sớm quan tâm đến vấn đề giữ gìn hàm răng khỏe đẹp cho con. Bài viết này sẽ giúp mẹ hiểu rõ về quá trình răng sâu và cách phòng ngừa sâu răng cho bé.

Nguyên nhân của răng sâu

Trong miệng chúng ta có rất nhiều vi khuẩn khác nhau, chúng sinh sống ở răng, lưỡi, nướu và các khu vực khác trong khoang miệng. Nhưng chỉ một vài loại vi khuẩn nhất định có khả năng gây sâu răng và răng sâu là kết quả của sự lây nhiễm các loại vi khuẩn đó. Chúng bao gồm các loại vi khuẩn cần đến đường để tạo thành một loại axit gây sâu răng.

 Quá trình răng sâu

Hàng ngày, có một “cuộc chiến đấu” diễn ra trong miệng chúng ta giữa một bên là vi khuẩn, các chất ngọt và bên kia là nước bọt và florua. Vi khuẩn và các chất ngọt có thể làm sản sinh axit gây sâu răng, còn nước bọt có chứa canxi và photphat, cộng với florua trong kem đánh răng có thể giúp tiêu diệt vi khuẩn ở khoang miệng và bảo vệ men răng khỏi bị axit bào mòn. 

Sự hình thành và phát triển của lỗ, hốc sâu răng

Khi răng của trẻ tiếp xúc với axit thường xuyên qua việc ăn uống các thứ có chứa đường và tinh bột, axit sẽ tấn công men răng trong quá trình dài dẫn đến tình trạng mất lớp bảo vệ ở men răng. Những lỗ nhỏ li ti ở răng cho thấy lớp khoáng chất đã bị mất và đó là dấu hiệu đầu tiên của răng sâu.

Tình trạng răng sâu có thể được kiểm soát ở giai đoạn này, khi men răng có thể tự phục hồi bằng việc bổ sung các khoáng chất qua nước bọt và florua ở kem đánh răng hay các nguồn khác. Tuy nhiên, nếu quá trình mất khoáng chất ở men răng vẫn tiếp diễn thì men răng sẽ bị yếu, bị phá hủy và hình thành các lỗ, hốc răng sâu. Một khi các lỗ, hốc răng sâu hình thành, không có biện pháp nào để phục hồi lại chúng, trừ việc hàn lại răng.

Làm thế nào để phòng ngừa răng sâu ở trẻ?

Sử dụng florua (flo):

Florua là một khoáng chất có thể giúp phòng ngừa răng sâu ở giai đoạn đầu. Florua được bổ sung sẽ lấp đầy các lỗ nhỏ li ti trên men răng và ngăn ngừa sự phát triển của các lỗ và hốc sâu răng to. Một khi các lỗ li ti kia được lấp đầy, vi khuẩn và axit sẽ không có nhiều vị trí thích hợp để làm lưu bám trên răng, do đó men răng sẽ được bảo vệ tốt hơn.

Ngoài việc dùng kem đánh răng, cha mẹ có thể cho trẻ uống nước có chứa florua hay dùng nước súc miệng với hàm lượng cho phép (không tự ý dùng các chất có chứa florua khi không có sự chỉ định của bác sĩ, bởi florua có thể gây ngộ độc với liều lượng cao).  

Theo dõi chế độ ăn uống của trẻ:

Bên cạnh việc cho trẻ dùng florua, cha mẹ cũng nên để ý đến thói quen ăn uống của trẻ để phòng ngừa răng sâu, như:

+ Hạn chế cho trẻ ăn đồ ăn vặt để ngăn ngừa axit tấn công răng.

+ Hạn chế cho trẻ ăn/uống bánh, kẹo, nước ngọt và nước trái cây.

+ Không cho trẻ ăn trước khi đi ngủ và sau khi đã đánh răng.

Dạy trẻ tập thói quen đánh răng hàng ngày.

Mẹ nên hướng dẫn trẻ từ 2 – 6 tuổi bắt đầu đánh răng 2 lần một ngày với liều lượng kem đánh răng nhỏ bằng khoảng hạt đậu. Chú ý chọn loại kem đánh răng có chứa flo.

Nhắc trẻ phải nhổ nước súc miệng trong và sau khi đánh răng, không nuốt vào họng.

Lưu ý không cho trẻ nhỏ dưới 8 tuổi sử dụng lượng kem đánh răng quá liều (to hơn kích cỡ hạt đậu) vì điều này có thể dẫn đến tình trạng xuất hiện các vệt trắng hay đốm vàng trên răng trẻ.

Giúp trẻ đánh răng đúng cách để đạt được hiệu quả phòng ngừa sâu răng tốt nhất.

Khi nào thì đưa trẻ đi gặp nha sĩ?

Đưa trẻ đến gặp nha sĩ để kiểm tra răng định kỳ.

Kiểm tra các khu vực răng dễ bị sâu.

+ Khi răng trẻ bị sâu, hãy đưa trẻ đến gặp nha sĩ để hàn và bọc răng.

Nguyễn MaiNguồn NIDCR

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.