Cha mẹ ly hôn là một cú sốc lớn đối với con cái. Nếu không thể có giải pháp nào tốt hơn, bạn cần chuẩn bị để giúp trẻ đối diện với vấn đề này.
-
1
Thông báo với trẻ về việc cha mẹ sẽ chia tay
Tốt nhất hãy thông báo với trẻ về quyết định ly hôn ngay sau khi đã chắc chắn về việc đó. Cả cha và mẹ nên có mặt trong giây phút nhạy cảm này và mỗi người hãy gạt bỏ sự tức giận, oán trách hay chỉ trích nhau. Càng ít xúc phạm nhau càng tốt.
Khi nhận được thông báo, chắc chắn trẻ sẽ bất ngờ, hoang mang, buồn tủi. Và trẻ sẽ đặt ra các câu hỏi như:
– Con sẽ ở với ai?
– Liệu con có phải chuyển đi nơi khác?
– Mẹ hoặc ba sẽ sống ở đâu?
– Con có phải đi học trường mới hay không?…
Cả cha và mẹ hãy cố gắng giúp con hiểu rằng ly hôn là giải pháp tốt nhất và gia đình sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn này.
-
2
Vào thời điểm diễn ra ly hôn
Nên để trẻ tự suy nghĩ và quyết định về việc sẽ sống chung với mẹ hay bố sau khi hai người ly hôn. Hãy để trẻ cảm thấy an tâm rằng cả cha và mẹ luôn yêu thương trẻ và trẻ sống với ai cũng tốt.
Cha mẹ cũng cần cho trẻ biết rằng quyết định chia tay đã được bố mẹ suy nghĩ kỹ và chắc chắn sẽ không thay đổi. Tuy nhiên, chúng vẫn được tới thăm bố (hoặc mẹ) sau khi hai người chia tay. Và cha mẹ cũng nên nhân nhượng với nhau, để cho con được tiếp xúc với cả hai vì nếu không trẻ sẽ bị tổn thương.
-
3
Sau khi ly hôn
Giúp trẻ quen với cuộc sống mới:
Khi đã giải quyết xong thủ tục ly hôn và đưa trẻ về sống với bạn (theo ý muốn và sự chấp thuận của tòa án), hãy nhanh chóng giúp trẻ làm quen với cuộc sống mới với những thói quen mới: không được cha/ mẹ đưa đón đi học thường xuyên nữa… Hãy cho trẻ những khoảng thời gian riêng tư với bố (hoặc mẹ) để trẻ hiểu rằng chúng vẫn nhận được sự yêu thương của cả hai.
Quan tâm, gần gũi trẻ:
Nhiều trẻ sau khi bố mẹ chia tay có những biểu hiện tiêu cực: stress nặng, trầm cảm, sang chấn tâm lý, muộn phiền, cáu giận. Vì vậy, cha/ mẹ phải luôn gần gũi, quan tâm và động viên con, vì lúc này là lúc trẻ cần tình cảm hơn bao giờ hết.
Không nói xấu người vợ hoặc chồng đã ly hôn trước mặt trẻ:
Nếu bạn cảm thấy bực bội, hay còn chưa nguôi giận, hãy tìm một người bạn thân hoặc một chuyên gia tâm lí để trút bầu tâm sự.
Hãy thoả thuận với vợ (hoặc chồng) về việc đến thăm hay dẫn trẻ đi chơi:
Không nên tranh giành hoặc cấm đoán người vợ (hoặc chồng) đã ly hôn của mình mà hãy tỏ ra lịch sự khi đối phương tới thăm hoặc dẫn con đi chơi.
Khuyến khích trẻ nói chuyện qua điện thoại với người cha (mẹ) sống xa chúng:
Điều này giúp trẻ được bù đắp những thiếu thốn về mặt tình cảm, đồng thời giúp trẻ nhận được những lời khuyên nhủ, dạy bảo từ cha (hay mẹ) chúng. Hãy tôn trọng cuộc nói chuyện của hai người.
Không nhất thiết phải nói với trẻ về nguyên nhân chia tay:
Nếu thấy không hợp lý thì cũng không nên nói với trẻ về nguyên nhân dẫn tới cuộc chia tay của bạn, vì như vậy trẻ sẽ có ấn tượng xấu về cả hai. Tránh để trẻ nghe thấy những cuộc tranh luận nảy lửa hay những cuộc cãi nhau thiếu kiềm chế giữa bạn và người bạn đời. Khi trẻ phạm phải một lỗi nào đó, bạn đừng tìm cách đổ lỗi cho người kia.
Ly hôn là điều không ai muốn, nhất là nó có thể để lại những hậu quả nặng nề đối với con cái, vì thế bạn cần cân nhắc thật kĩ càng trước khi ly hôn. Khi không còn giải pháp nào khác nữa, bạn hãy giải quyết nó một cách nhẹ nhàng và dành nhiều tình cảm, sự quan tâm đến bé để bù đắp cho bé sự thiếu hụt về cha hoặc mẹ.