Cách làm dầu dừa đơn giản nhất

Cách làm dầu dừa đơn giản nhất
Cách làm dầu dừa đơn giản nhất

Cách làm dầu dừa đơn giản nhất

Sinh ra và lớn lên ở Tây Nam Bộ, mình sớm làm quen với những chế phẩm từ dừa, từ những cọng lá dừa dùng để đun bếp, hay làm đồ chơi cho bọn trẻ con, từ nước dừa mát lành ngọt ngào giải khát những ngày hè, những cọng mứt dừa ngon đến kì lạ, hay một cái củ hủ dừa để mẹ trộn gỏi mỗi khi nhà có khách thăm….Ngày đó có một thứ mình không thích đó chính là dầu dừa, cứ mỗi lần chuẩn bị gội đầu là bà Ngoại nhất định phải bôi một ít dầu dừa lên tóc, mình thấy tóc cứ ướt ướt, rít rít, hận không thể ba chân bốn cẳng nhanh mà đi gội.

Từ khi lớn lên được một chút, vì mình nhất quyết không chịu bôi dầu dừa lên tóc trước ngày gội đầu nên Ngoại không ép nữa. Nhưng sau đó mình mới chợt thấm thía rằng, tóc mình sao mà xơ quá, không được bóng và mềm mại như trước nữa, đó cũng là hậu quả của việc không nghe lời người lớn.

Sau đó mình bắt đầu theo ngoại làm những mẻ dầu dừa thơm và trong. Thời gian gần đây, xem nhiều tin tức thấy công dụng của dầu dừa không chỉ giúp tóc đẹp mà còn giúp những chị bầu không bị nứt da, giúp làm đẹp da, và rất nhiều công dụng tốt của nó nữa.

Hôm nay mình xin chia sẻ công thức làm dầu dừa của Ngoại , Ngoại mình có kinh nghiệm làm dầu dừa cả đời, vì từ nhỏ Ngoại đã làm rồi và đến nay vẫn sử dụng nó như một loại “ dưỡng tóc” tiết kiệm nhất.

Nguyên liệu:

Dừa nạo: 1kg

Nước nóng: 400ml

Chảo

Hủ thuỷ tinh

Thực hiện:

Dừa nạo bạn chỉ cần mua loại nạo sẳn ngoài chợ về là có thể sử dụng được, nhưng nhớ mua loại dừa khô một chút sẽ có nhiều dầu hơn.

Cho 200ml nước nóng vào chung với dừa nạo, trộn đều, sau đó để khoảng 10 phút cho nước nguội bớt.

Dùng tay nhào thật mạnh, bóp thật nhiều lần để phần nước cốt dừa ra hết. Cuối cùng lọc nước cốt dừa qua một cái rây để bỏ đi phần xác.

Cho 200ml nước nóng còn lại vào phần xác dừa, tiếp tục làm như vậy lần thứ hai, sau đó cũng lược phần nước dão đó qua một cái rây.

Trộn chung phần nước cốt dừa và phần nước dão lại với nhau để yên 15 phút.

Việc để yên như vậy sẽ làm phần nước cốt dừa đậm đặc sẽ nổi lên trên, những phần cặn và nước sẽ ở lớp dưới.

Thật nhẹ thay đổ phần nước cốt bên trên vào chảo hay một cái nồi. Phần cặn và nước trong còn lại bạn không câng sử dụng.

Cho chảo nước cốt dừa lên bếp và đun với lửa vừa, bạn sẽ thấy sau khi nước cốt sôi lên sẽ tạo những kết tủa mà trắng. Bạn dung thìa hay vá khuấy đều một vài lần cho không bị khét. Cái này dân gian hay gọi là thắng bồng con.

Khi bạn thấy có lớp bồng con màu trắng thì bạn giảm lửa đi, để lửa thật nhỏ, lớp bồng con màu trắng này sau một thời gian sẽ chuyển sang nâu vàng và bám dưới đáy chảo, còn dầu dừa từ màu trắng đục của nước cốt sẽ chuyển sang trong như dầu ăn vậy.

Khi lớp bồng con chuyển sang màu nâu thì bạn tắt lửa, không khuấy gì hết, để chảo dầu nghiêng một bên để phần dầu ăn tập trung về một bên.

Đợi dầu nguội bạn cho ra một cái tô sạch, không bị dính một chút nước nào hết.

Bạn dùng một cái khăn sạch hay gạt để lược lại dầu để lấy được phần dầu trong nhất, không bị cặn.

Cho đầu vào hủ thuỷ tinh và bảo quan nơi khô thoáng, không cho ánh sáng trực tiếp chiếu vào. Chú ý là hủ thuỷ tinh cũng thật sạch và được phơi khô.

Dầu làm đúng cách có thể sử dụng khoảng 2 năm không bị hỏng.

Yêu cầu:

Dầu dừa có màu vàng nhạt, trong suốt, sánh đặc như dầu ăn, thơm mùi thơm rất nhẹ.

Mất một ít thời gian nhưng bù lại bạn có hủ dầu dừa nguyên chất, rất đáng công đúng không?

Bạn cũng có thể thắng dầu bằng nồi cơm điện bằng cách nấu như nấu cơm, bạn nhấn nút “cook” khoảng 3-4 lần và thấy lớp bồng con vàng là được.

Chúc bạn có hủ dầu dừa thật chất lượng để dùng trong gia đình nhé!

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.