1. Thời gian nằm điều hòa
– Ban đêm: Cha mẹ nên bật điều hòa trước 10-15 phút để làm mát phòng sau đó mới đưa trẻ vào phòng ngủ. Nên để chế độ hẹn giờ sau 2 – 3 tiếng thì tắt máy và chuyển sang sử dụng quạt thông thường.
– Ban ngày: Nhiệt độ ban ngày cao hơn, tuy nhiên cũng không nên cho trẻ ở trong phòng điều hòa liên tục quá 2 giờ mỗi lần. Cứ 2 giờ ngồi trong phòng máy lạnh, gia đình nên để trẻ ra ngoài tiếp xúc với nhiệt độ thường trong 10 – 15 phút. Tốt nhất ban ngày chỉ bật điều hòa trong thời gian trẻ ngủ trưa từ 11 giờ đến 3 giờ chiều.
Trẻ nhỏ nằm trong phòng điều hòa quá lâu khiến da bị khô do cơ thể mất nước và các bệnh về đường hô hấp và nhiều biến chứng nguy hiểm.
Bé nên được mặc kín trong phòng có điều hòa.
2. Điều chỉnh nhiệt độ thích hợp
Tùy thuộc vào nhiệt độ phòng để điều chỉnh nhiệt độ sao cho phù hợp. Chỉ nên để nhiệt độ điều hòa thấp hơn so với nhiệt độ bên ngoài khoảng 6 – 10 độ C. Với các gia đình có trẻ nhỏ, mức chênh lệch nhiệt độ càng thấp thì càng tốt.
Với trẻ dưới 3 tuổi, nhiệt độ điều hòa phù hợp trong khoảng 26 – 27 độ C. Trẻ sơ sinh được mặc quần áo dài tay, đi bao tay chân và quấn tã, đắp chăn vẫn chỉ nên để 28 – 29 độ C.
3. Vị trí bé nằm
Vị trí đặt điều hòa thích hợp không nên chỉa thẳng vào giường trẻ nằm, đặt càng cao càng tốt. Sử dụng chế độ quạt đảo chiều ở mức thấp nhất, tránh để hướng gió thổi chỉ tập trung một chỗ.
Trong khi trẻ chơi, ngủ vẫn nên mặc đồ dài tay, che kín cổ, bụng, tốt nhất nên đắp chăn mỏng cho trẻ.
4. Vệ sinh phòng ở
Sau khi sử dụng điều hòa qua đêm, cần mở cửa phòng để lưu thông không khí, đẩy hết các khí tù đọng trong phòng ra ngoài.
Quét dọn phòng ở sạch sẽ, hút bụi và tránh để các loại thức ăn, đồ dùng nặng mùi khi đang bật điều hòa cho trẻ.
5. Bảo dưỡng điều hòa
Khi sử dụng điều hòa liên tục, thường xuyên, các gia đình cần vệ sinh điều hòa 1 – 2 tuần/lần để loại bỏ bụi bẩn, nấm mốc tích tụ trong máy. Vệ sinh điều hòa không tốt có thể gây bệnh ngược trở lại cho trẻ nhỏ.
Định kỳ bảo dưỡng điều hòa bằng nhờ thuê dịch vụ hỗ trợ từ 2-3 tháng/lần để đảm bảo máy chạy an toàn, tiết kiệm điện năng.
Điều hòa cần được bảo dưỡng, lau chùi thường xuyên để tránh nấm mốc.
6. Những lưu ý chung khác:
– Khi trẻ vừa ra ngoài trời nắng, đang ra nhiều mồ hôi không nên để trẻ vào ngay phòng điều hòa. Nên lau sạch mồ hôi, để trẻ nghỉ ngơi chốc lát rồi mới bật điều hòa.
– Trong những ngày nắng nóng cao điểm, cần hạn chế tối đa việc để trẻ ra vào liên tục phòng có điều hòa vì bé sẽ phải thích nghi với việc thay đổi nhiệt độ đột ngột.
– Không sử dụng quạt phun sương, tạo ẩm khi đang bật máy điều hòa trong phòng ở của trẻ. Phòng dùng điều hòa thường đã đóng kín, nếu độ ẩm quá cao khiến các vi khuẩn, vi-rút có cơ hội phát triển gây bệnh cho con người. Với trẻ nhỏ rất cần sự lưu thông không khí vì vậy nên lắp đặt hệ thống quạt thông gió thay vì sử dụng các loại máy tạo ẩm.
(Theo SKDS)
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.