Giun là ký sinh trùng sống trong đường ruột và có thể gây nhiều ảnh hưởng tới sức khỏe. Hầu hết các bé đều bị nhiễm giun, sán bởi chúng thường hay nghịch các đồ vật, thậm chí là nghịch đất cát bằng tay, sau đó lại cho tay vào miệng. Vì thế, việc tẩy giun cho trẻ nên được các mẹ lưu ý.
Tuy nhiên, tẩy giun an toàn cho con là chuyện không hề đơn giản. Có rất nhiều loại thuốc tẩy giun, với liều lượng cũng như tác dụng phụ khác nhau. Vì thế, mẹ tuyệt đối không tự ý đi mua thuốc cho bé uống được. Để đảm bảo bé được tẩy giun an toàn, mẹ nên tìm hiểu về vấn đề này một cách kỹ càng.
Các loại giun
Những loại giun sán phổ biến gồm sán dây, giun kim, giun đũa, giun móc, giun tóc, giun tròn,… Chúng gây ảnh hướng lớn đến vấn đề phát triển ở trẻ nhỏ.
Nguyên nhân
Hầu hết các loại ký sinh trùng trên có thể lây nhiễm qua phân và đường miệng. Ở trẻ nhỏ, chúng lây lan dễ dàng hơn bởi trẻ nhỏ không tự vệ sinh tay được, lại hay cho tay vào miệng. Trẻ cũng có nhiều khả năng bị nhiễm ký sinh trùng hơn người lớn khi phân của chúng vướng vào đồ chơi, trên nền nhà, quần áo…
Triệu chứng
Tùy thuộc vào các loại ký sinh trùng trong đường ruột mà trẻ có các triệu chứng khác nhau. Ví dụ, giun kim thường hay gặp ở trẻ nhỏ hơn là người lớn. Chúng ký sinh ở hậu môn trẻ nên làm trẻ thấy nóng, ngứa, rát ở hậu môn, mất ngủ giữa đêm… Một số loại giun sán khác có thể làm trẻ buồn nôn, kém ăn và suy dinh dưỡng. Tiêu chảy cũng là 1 triệu chứng chung, phổ biến ở trẻ bị nhiễm giun sán trong đường ruột. Ngoài ra, các triệu chứng còn gồm có đau bụng, giảm cân và da xanh xao.
Điều trị
Tùy thuộc vào từng loại giun và thể trạng cơ thể (cân nặng) của trẻ để lựa chọn cách tẩy giun phù hợp và an toàn cho bé. Thông thường, cha mẹ hay mua thuốc tẩy giun cho trẻ ở hiệu thuốc và các cơ sở y tế, có chỉ định của người bán thuốc. Cẩn thận hơn, bố mẹ có thể đưa bé đến bệnh viện hay cơ sở y tế để khám và được chỉ định liều lượng thuốc phù hợp.
Điều mà ít người biết đến là thuốc kháng sinh cũng có thể được dùng để tẩy giun, nhưng mẹ không nên tùy tiện sử dụng các loại thuốc này cho trẻ mà không hỏi ý kiến bác sĩ. Đặc biệt, khác với các loại thuốc khác, thuốc tẩy giun thường được bào chế dưới dạng một viên duy nhất và uống một liều duy nhất. Một số loại thuốc tẩy giun khác được chỉ định uống cách nhau một vài tuần.
Phòng ngừa
Để phòng ngừa nhiễm giun, sán hay ký sinh trùng đường ruột cho trẻ nhỏ, cha mẹ nên chú ý một số điều sau:
+ Vệ sinh cho trẻ hàng ngày như cắt móng tay, vệ sinh tay, vệ sinh hậu môn, thay tã, bỉm thường xuyên.
+ Không để trẻ ngậm ngón tay trong miệng, nếu bé có thói quen này, cần tìm cách “cai” sớm nhất có thể.
+ Không cho trẻ chơi với đồ chơi bẩn và đút đồ chơi vào miệng.
+ Không cho trẻ ăn thức ăn sống, thức ăn cho trẻ phải đảm bảo vệ sinh.
+ Tẩy giun cho bé định kỳ một lần/năm.
Nguyễn Mai – Nguồn: LS
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.