Hoa sen cạn được trồng ở nhiều nơi nhờ giá trị cao về thẩm mỹ, y học. Thêm vào đó, với kỹ thuật trồng cây hoa sen cạn đơn giản, các hộ gia đình có thể tự trồng cho mình 1 vài chậu trong nhà.
Đây là loài thực vật có kỹ thuật trồng cây không khó. Sen cạn còn có tên gọi khác là Hạn hà thảo, Hà diệp liên… Cây có tên khoa học là Tropaeolum majusL, họ thực vật: Tropaeolaceae.
Sen cạn có nguồn gốc ở Peru. Vào thế kỷ XVI, người ta tìm thấy một loài hoa có màu đỏ nên gọi là ‘hoa màu máu của Peru’. Sau đó, cây được trồng sang các nước khác của châu Mỹ, từ Chi Lê đến Mexico. Hiện nay, loại cây này được nhập trồng khá phổ biến ở Việt Nam.
Hoa sen cạn có kỹ thuật trồng cây không khó
Đặc điểm
Sen cạn là cây thân thảo bụi nhỏ sống hằng năm. Cây mọc leo dạng thân ống, chiều cao trung bình khoảng 20-25cm, đặc biệt, cây có thể cao đến 50cm. Sen cạn thuộc nhóm cây ưa sáng và ra hoa liên tục quanh năm. Lá của cây khá giống lá sen, có cuống dài dính ở giữa phiến tròn, mép nguyên, mặt trên màu lục nhạt, mặt dưới màu nhạt hơn. Hoa mọc riêng lẻ ở nách lá, đường kính từ 3-5cm, hoa lưỡng tính không đều, có màu vàng, vàng cam và đỏ.
Kỹ thuật trồng cây hoa sen cạn
Gieo trồng
Thời điểm thích hợp để gieo hạt là vào giữa tháng 3 đến giữa tháng 4. Người trồng cần dùng tay lột nhẹ lớp vỏ của hạt, sau đó gieo thì cây mới có thể nảy mầm ngay. Tiếp đến, người trồng cây có thể dùng ngón tay thọc một lỗ nhỏ trong chậu, bỏ vào đó một hạt. Đất trồng cây gồm các loại đất Akadama hạt nhỏ và đất mùn (hoặc than bùn) cùng với một ít chất khoáng trồng cây. Sau khi trồng, cây cần được bón phân.
Để có được chậu hoa sen cạn đẹp, người chơi hoa cần chú ý một số kỹ thuật trồng cây đơn giản
Trồng cố định
Sau khi cây đã ra rễ, người chơi hoa cần chuyển cây sang trồng ở chậu khác. Đất trồng là hỗn hợp gồm đất Akadama hạt nhỏ và đất mùn. Vào mùa hè, cây nên được đặt dưới gốc cây lớn hoặc trong bóng râm. Người chăm cây có thể tưới nước sau khi bề mặt đất trong chậu đã khô. Nếu cây hoa sen cạn xuất hiện nhện đỏ, người trồng có thể phun thuốc trừ sâu để trị.
Nhân giống hoa sen cạn
Hoa sen cạn có nhiều màu như vàng, vàng cam và đỏ
Người trồng có thể giâm cành để nhân giống hoa. Cách nhân giống là cắm một cành dài 7 – 8cm vào chất khoáng trồng cây hoặc trong ly chứa đầy nước, cành cây sẽ ra rễ nhanh hơn.
Tác dụng của hoa sen cạn
Ở Việt Nam, sen cạn được trồng nhiều nơi để làm cảnh, làm rau ăn, làm gia vị và làm thuốc. Tuy mang tên sen nhưng loại cây này mọc trên cạn, không sống dưới nước. Có thể trồng ở vườn, dọc hàng rào, ở ban công, trồng nhiều trong khuôn viên bồn hoa, trồng trong chậu cảnh trang trí và tạo cảnh quan sân vườn biệt thự…
Đặc biệt, cây được trồng trong các chậu treo trang trí rất đặc sắc. Với hình dáng lá đẹp, sắc hoa tươi thắm, các chậu treo sen cạn sẽ giúp tiền sảnh nhà hàng, quán cafe trở nên nổi bật hơn. Những khung cửa sổ đơn điệu sẽ sinh động hơn, không gian nhà sang trọng và màu sắc hơn.
Loài thực vật này có công hiệu đuổi muỗi khá tốt
Ngoài ra, hoa và lá sen cạn có thể dùng làm salad, hạt đập nhuyễn có thể dùng làm gia vị. Lá non được dùng ăn sống hoặc nấu súp với khoai tây. Nụ hoa và quả xanh dùng ngâm giấm làm gia vị, có mùi vị như rau cải xoong, ăn rất ngon miệng. Hoa sen cạn cũng được dùng trang điểm màu sắc, làm tăng vẻ hấp dẫn của đĩa rau.
Tất cả các bộ phận của cây đều có thể làm thuốc và có thể thu hái quanh năm. Theo y học, sen cạn có vị cay, chua, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, mát huyết, cầm máu, điều kinh, lợi tiểu, nhuận tràng, trừ ho và chống bệnh scorbut (hoạt huyết), chữa các rối loạn của phế quản và phổi, viêm bàng quang và viêm phế quản,… Mùi hương của loài hoa này cũng được xem là 1 phương pháp hữu hiệu để đuổi muỗi.
Theo VietQ.vn