Cách “vụng trộm” của loài mực

Cách

Một nghiên cứu mới đã chỉ ra rằng tinh trùng của những con mực mác nhỏ chuyên “ăn vụng” có kích thước to hơn các con đực to lớn “chính chuyên”. Ngoài ra, mực cái giao phối với mực đực “ăn vụng” thông qua một cơ quan khác với cơ quan nó dùng để giao phối với mực đực to, đó là một cơ quan ở gần miệng con mực cái, tờ National Geographic cho hay.

Các nhà sinh vật học trước đây đã phát hiện, mực cái chỉ sẵn sàng giao phối với các con đực to lớn quyến rũ chúng bằng ánh sáng phát quang sinh học sặc sỡ, vốn không có ở các con mực đực bé nhỏ.

Khi đã quyến rũ được mực cái, con đực giao phối bằng tay giao phối, truyền tinh trùng vào vòi trứng của con cái. Con đực sau đó sẽ canh chừng con cái tới lúc mực cái đẻ trứng, nhằm đảm bảo không con đực nào khác sẽ thụ tinh trứng đó.


Các con mực mác đực khi trưởng thành sẽ phát triển thành hai loại, mực to (hình) và mực nhỏ, được gọi là mực ăn vụng. Các con mực ăn vụng có kích thước tinh trùng to hơn của mực to. (Ảnh: Eiji Fujiwara)

Tuy nhiên, ngay khi con mực cái bắt đầu đẻ trứng ở đáy biển, mực đực nhỏ gọi là “mực ăn vụng” có cơ hội giao phối với con mực cái theo cách đầu nối đầu. “Mực cái có một cơ quan tích trữ tinh trùng riêng biệt ở gần miệng, chuyên dành cho việc giao phối lén lút như vậy với các con đực ăn vụng”, đồng tác giả nghiên cứu Yoko Iwata, nghiên cứu sinh sau tiến sỹ tại Đại học Tokyo, Nhật Bản, cho biết trên tạp chí National Geographic.

Mặc dù những con mực to lớn hơn đã thụ tinh hầu hết số trứng trong người con cái, việc giao phối vụng trộm của mực đực nhỏ cũng giúp chúng có cơ hội “làm cha” vài đứa con của con cái đó.

Để đi đến phát hiện, tiến sỹ Iwata và đồng nghiệp đã giải phẫu hàng loạt những con mực mác thí nghiệm nhằm thu thập tinh trùng ở hai loại mực đực và ở hai vị trí chứa tinh trùng của mực cái.

Nhóm nghiên cứu đã đo kích thước hai loại tế bào tinh trùng qua kính hiển vi và khám phá thấy tinh trùng của những mực đực to chứa bên trong tử cung mực cái có độ dài trung bình 0,000073 mét và tinh trùng của mực nhỏ (mực ăn vụng) có kích thước 0,000 099 mét.

Các nhà khoa học cũng thu thập trứng từ cơ thể mực cái còn sống và cho thụ tinh nhân tạo trứng đó bằng hai loại tinh trùng và thấy rằng cả hai loại tinh trùng đều thụ tinh tốt. Hơn nữa, hai loại tinh trùng này bơi trong trứng ở cùng tốc độ, chứng tỏ tinh trùng to hơn không có ưu thế cạnh tranh hơn tinh trùng nhỏ hơn.

Lý do các con mực ăn vụng đã tiến hóa các tinh trùng lớn là để thích nghi được với cơ quan dự trữ tinh trùng của mực cái và nước biển xung quanh. Cụ thể là, mỗi cơ quan chứa tinh trùng của mực cái và các vùng nước xung quanh những cơ quan này có những đặc điểm khác nhau như nồng độ pH, độ mặn, tính cô của khí và các chất dinh dưỡng khác nhau, vốn ưu tiên mỗi loại tinh trùng có kích cỡ khác nhau.

Những phát hiện này là những bằng chứng đầu tiên của hai loại con đực khác kích cỡ của cùng một loài sản sinh ra tinh trùng có kích cỡ khác nhau và sử dụng những cơ quan giao phối khác nhau, tạp chí BMC Evolutionary Biology dẫn lời các nhà nghiên cứu khẳng định.

Điều này có lợi ích tiến hóa, Iwata cho biết thêm, bởi vì hai loại tinh trùng khác nhau vốn khác nhau về mặt gen sẽ giúp cho các mực con có nhiều biến dị gen khác nhau, giúp cho loài mực ngày càng tiến hóa về mặt lâu dài.

Hiện tại, các nhà khoa học vẫn chưa biết tại sao một chú mực mác con sẽ trở thành một mực ăn vụng (mực đực trưởng thành nhỏ) hay mực đực to. Chưa biết mực mác đực ăn vụng là kết quả tiến hóa do gen di truyền hay do ảnh hưởng của môi trường sống như nhiệt độ nước hoặc sự phong phú về mặt thức ăn. Tuy nhiên, nghiên cứu ở một số loài mực đã chỉ ra, môi trường có lẽ là một nhân tố đáng kể.

 

Theo Vietnamnet