Tương tự như qui tắc thay đổi màu sắc của giấy quỳ tím, thiết bị cảm biến nhỏ gọn của nhóm chuyên gia thuộc Đại học Palermo (Ý) không chỉ đo nồng độ cồn chính xác hơn các thiết bị kiểm tra hơi thở đắt tiền hiện nay mà còn có thể tái sử dụng nhiều lần.
Ảnh: Eurekamagazine
Được biết, đây là cảm biến đầu tiên sử dụng thuộc tính phản ứng với ethanol (một thành phần độc hại trong rượu công nghiệp) của đá mắt mèo (opal) để phát hiện nồng độ ethanol thông qua hiệu ứng màu sắc và nhìn được bằng mắt thường.
Để làm như vậy, các nhà nghiên cứu trước tiên sử dụng một tấm opal mỏng khoảng 1cm vuông và bơm đầy một loại gel đã điều chỉnh để phản ứng với ethanol trong hơi thở. Do đó khi nồng độ ethanol tăng cao, lớp gel làm thay đổi ánh sáng đi qua tấm opal khiến chúng biến từ sắc xanh sang đỏ. Đáng lưu ý là chúng không phản ứng với acetone, một trong những chất khiến máy kiểm tra hơi thở lầm lẫn với ethanol.
“Phương pháp của chúng tôi là cho phép phát hiện nồng độ rượu trong hơi thở bằng mắt thường như cơ chế thay đổi màu sắc ở giấy quỳ tím” – tác giả Riccardo Pernice thuộc Đại học Palermo cho biết. Mặt khác, nó có thể cung cấp con số chính xác nếu được bổ sung hệ thống điện tử hoặc dò màu sắc.
Đặc biệt, cảm biến từ opal có thể khôi phục màu sắc ban đầu trong vòng một phút khi tiếp xúc với không khí nên có thể sử dụng nhiều lần. Ngoài ra, do được làm từ vật liệu không độc hại nên chu trình xử lý các bộ cảm biến sau sử dụng được cho rất an toàn với môi trường.
Theo Báo Cần Thơ, Eurekamagazine