Camera nhanh nhất thế giới có thể chụp 5 nghìn tỷ khung hình mỗi giây

0
109

Máy ảnh chụp được 1 nghìn tỷ khung hình trong 1 giây của Viện công nghệ Massachussetts (MIT) đã lỗi thời. Các nhà nghiên cứu ở Thụy Điển vừa sáng tạo ra chiếc camera nhanh nhất thế giới, có thể chụp tới 5 nghìn tỷ khung hình trong 1 giây.

Chiếc camera này, có tên là FRAME (Frequency Recognition Algorithm for Multiple Exposures), được phát triển tại trường Đại học Lund, có thể “khiến ánh sáng đứng yên” và chụp những sự kiện diễn biến trong 0,2 nghìn tỷ giây. Các nhà khoa học nói chiếc camera có thể ứng dụng trong ngành hóa học, vật lý, sinh học và y học mà chưa một chiếc camera nào trước đây có thể chụp – những thứ diễn ra ở tốc độ femto giây.

Để có thể hình dung, Wikipedia giải thích rằng 1 femto giây (femtosecond) là một đơn vị của thời gian, tương đương với 1/1,000,000,000,000,000 của một giây.


Chiếc camera này không hoạt động giống như một chiếc camera thông thường.

Nhà nghiên cứu thiên văn học của trường Đại học Lund, Elias Kristensson, cho biết: “Ngày nay, cách duy nhất để hình dung những sự kiện nhanh như vậy là chụp lại những bức ảnh của quá trình này. Sau đó bạn phải cố gắng lặp lại các thí nghiệm giống hệt nhau để cung cấp một số hình ảnh tĩnh mà sau này có thể được chỉnh sửa lại thành một bộ phim. Vấn đề với cách tiếp cận này là rất khó xảy ra một quá trình sẽ giống hệt nhau nếu bạn lặp lại thử nghiệm”.

Để trình diễn máy ảnh, các nhà nghiên cứu trường Đại học Lund đã quay video các hạt ánh sáng photon di chuyển một khoảng cách bằng bề dày của một tờ giấy. Chỉ mất một picosecond để diễn ra quá trình trên. (1 picosecond bằng 1 phần nghìn tỷ giây), nhưng chiếc camera có thể chụp và trình diễn các photon di chuyển bằng cách làm chậm các thứ lại.

Theo trang Petapixel, chiếc camera này không hoạt động giống như một chiếc camera thông thường. Sau đây là lời giải thích “đơn giản” của trường Đại học Lund:

“Hiện nay, camera tốc độ cao chụp ảnh từng lần một”, Lund viết. “Công nghệ mới dựa trên một thuật toán sáng tạo, và chụp một số hình ảnh mã hoá trong một bức tranh, sau đó nó sẽ phân loại chúng thành một chuỗi video”.

“Nói tóm lại, phương pháp này phơi bày những gì bạn đang quay phim (ví dụ phản ứng hóa học) sang ánh sáng dưới dạng nhấp nháy laser, trong đó mỗi xung ánh sáng được gán cho một mã duy nhất. Vật thể phản ánh ánh sáng nhấp nháy kết hợp với nhau thành một bức ảnh đơn. Sau đó chúng được tách ra bằng cách sử dụng khóa mã hóa (encryption key)”.

Công nghệ hiện đang được một công ty của Đức thương mại hóa, và ước tính sẽ sẵn sàng sử dụng rộng rãi trong khoảng 2 năm nữa.

 

Theo vnreview