Camera nội soi điều khiển bằng từ trường

Camera nội soi điều khiển bằng từ trường

Các nhà nghiên cứu Anh và Đức cho biết họ vừa chế tạo thành công hệ thống điều khiển đầu tiên dành cho camera nội soi.

Khi bệnh nhân nuốt một camera với kích thước lớn hơn viên kẹo, thiết bị sẽ di chuyển thông qua ruột và truyền hình ảnh bên trong tới thiết bị nhận ở bên ngoài được bệnh nhân đeo bên hông. Thiết bị này chứa dữ liệu, vì thế các bác sĩ có thể phân tích và phát hiện tình trạng xuất huyết hay các ung bướu bên trong.

Nếu để camera di chuyển tự nhiên, nó không hoàn toàn thích hợp cho việc kiểm tra thực quản và bao tử do thời gian di chuyển quá nhanh: thời gian camera di chuyển trong thực quản chỉ khoảng 3-4 giây, chỉ có thể chụp được 2 hay 4 hình ảnh/giây và khi đến bao tử, nó rơi rất nhanh xuống vách bên dưới của bao tử.

Với hệ thống điều khiển mới, các bác sĩ có thể cho camera dừng trong thực quản, di chuyển nó lên hay xuống, điều chỉnh góc quay của camera theo yêu cầu… Ngoài ra, các bác sĩ cũng có thể xem xét hình ảnh ở vách bao tử.

Camera nội soi điều khiển bằng từ trường

Camera nội soi có kích thước không lớn hơn viên kẹo, bệnh nhân nuốt nó và các bác sĩ sẽ điều khiển chuyển động của nó bằng từ trường.

Nhưng làm thế nào để “lái” được camera theo ý muốn bên trong cơ thể? Theo các nhà nghiên cứu, đó là nhờ một thiết bị tạo từ trường có kích thước bằng một thanh chocolate. Khi khám cho bệnh nhân, các bác sĩ có thể cầm thiết bị tạo từ trường này trong tay, di chuyển chúng lên hay xuống dọc theo cơ thể bệnh nhân, và camera sẽ di chuyển theo yêu cầu một cách chính xác.

Các thử nghiệm cho thấy camera nội soi điều khiển bằng từ trường có thể nằm trong thực quản 10 phút thậm chí khi bệnh nhân ngồi. 

 

Theo TRƯỜNG THỊNH (Science Daily, Tuổi Trẻ Online)