Các nhà khoa học đã tìm ra cách sử dụng sóng âm để nâng các giọt chất lỏng, một kỹ thuật có thể dẫn đến việc phát triển những dòng thuốc mới cho phép cơ thể hấp thụ dễ dàng.
Để tạo ra hiện tượng trên, các chuyên gia dùng thiết bị chứa cặp loa nhỏ, phát ra sóng âm với tần số lớn hơn ngưỡng nghe được bình thường ở người, khoảng 22 kilohertz (kHz).
Các loa được sắp thẳng hàng để sóng âm phát ra giao thoa với nhau và tạo ra cái gọi là sóng đứng.
Nước lơ lửng trong môi trường sóng âm đối kháng – (Ảnh: Argonne National Lab)
Những điểm giao nhau dọc theo trục thẳng đứng được gọi là giao điểm, áp lực âm thanh từ sóng âm đủ để trung hòa ảnh hưởng của trọng lực, cho phép những vật thể nhẹ như giọt nước giữ nguyên vị trí được đặt trước đó, theo thông cáo báo chí của Phòng Thí nghiệm Quốc gia Argonne (Mỹ).
Hiện tượng trên đã được chuyên gia NASA phát hiện đầu tiên và dùng để tái tạo môi trường vi trọng lực, theo NBC News.
Chris Benmore, một nhà vật lý tia X tại Phòng Thí nghiệm Quốc gia Argonne và đồng sự đã biến đổi kỹ thuật trên với mục tiêu biến hỗn hợp hóa chất của thuốc thành dạng để cơ thể dễ dàng hấp thu.
Ở mức độ phân tử, các cấu trúc dược phẩm chia thành hai dạng: vô định hình hoặc tinh thể. Thuốc vô định hình thường dễ hòa tan và tác động mạnh hơn, có nghĩa là chỉ cần liều thấp cũng đạt hiệu quả như mong đợi.
Theo Thanh Niên