>> Cận cảnh sự lớn lên của em bé trong bụng mẹ mỗi tuần (P2)
Những tuần tiếp theo, em bé sẽ có những sự phát triển và thay đổi đến… chóng mặt để chuẩn bị cho cuộc sống độc lập khi chào đời. Giai đoạn này bé cũng sẽ nghịch ngợm rất nhiều và khiến mẹ mệt lắm đấy nhé!
Tuần thứ 28
Tuần này, bé yêu đã nặng khoảng 1kg và dài tới 36,5cm; sự tích tụ mỡ khiến những nếp nhăn trên da bé giảm đi, con nhìn mũm mĩm đáng yêu hơn.
Phổi bé phát triển gần như hoàn thiện và đã có thể hít thở được không khí. Não cũng đang phát triển nhanh chóng với hàng triệu nơ-ron thần kinh. Đây cũng là thời điểm mà nhu cầu dinh dưỡng của bé tăng lên, vì thế mẹ cần bổ sung thêm nhiều sắt, folate, protein, vitamin C và đặc biệt là canxi vì lúc này xương của bé đang hấp thụ rất nhiều canxi để cứng cáp, chắc khỏe hơn.
————————–
Tuần thứ 29
Bé tiếp tục tăng cân và cao lên, thời điểm này con đã nặng khoảng 1,2kg và dài 38cm. Lớp mỡ dưới da tiếp tục tích tụ nhiều hơn; thị lực của bé dần phát triển và có phản ứng trước sự thay đổi ánh sáng, tuy bé mới nhìn thấy trong phạm vi 10m.
Thời điểm này có khoảng gần 1 lít nước ối bao quanh bé nhưng lượng nước ối này sẽ giảm dần khi bé lớn lên.
————————–
Tuần thứ 30
Đánh dấu mốc 30 tuần, bé đã nặng 1,4kg, dài 39,5cm và nghịch-như-quỷ! Bé hoạt động suốt ngày, đạp bụng mẹ và nhào lộn, ngọ nguậy liên tục khiến nhiều khi mẹ cảm thấy khó chịu, thậm chí chẳng ngủ được. Nhưng đó cũng là những tín hiệu vui cho thấy con đang rất khỏe mạnh.
————————–
Tuần thứ 31
Bé có thể quay đầu từ bên này sang bên kia, lớp mỡ dưới da dày hơn nên chân tay và cơ thể con ngày càng bụ bẫm, đầy đặn hơn. Lúc này, con đã nặng khoảng 1,55kg và dài gần 41cm; móng chân, móng tay và tóc, lông tơ bắt đầu mọc. Não, các dây thần kinh của con phát triển nhanh hơn và 5 giác quan bắt đầu đi vào hoạt động.
————————–
Tuần thứ 32
Đến tuần này, bé đã nặng tới gần 1,8kg và dài hơn 42cm, khung xương cứng cáp hơn. Tuy nhiên, các xương hộp sọ của bé vẫn chưa khít vào nhau, chúng cách nhau 1 khe nhỏ và dịch chuyển được để khi ra đời, các xương đó có thể hơi chồng lên nhau giúp chui qua ống sinh dễ dàng hơn.
————————–
Tuần thứ 33
Đây là thời điểm não bé phát triển hoàn thiện; bé biết mở mắt khi thức; biết ngậm, nuốt, thở cùng lúc nữa. Bé đã nặng khoảng 2kg, dài gần 44cm; lớp mỡ vẫn đang dày lên giúp điều chỉnh thân nhiệt sau khi sinh ra. Hệ thần kinh trung ương và phổi của bé đang trưởng thành. Với các mẹ đang lo lắng từng ngày vì chứng dọa sinh non thì đây cũng là thời điểm có thể thở phào rồi vì bước sang tuần thứ 33, con hoàn toàn có thể sống khỏe mạnh ở môi trường bên ngoài.
————————–
Tuần thứ 34
Bé đã to cỡ 1 quả dưa bở (nặng 2,2kg và dài 45,5cm) khiến tử cung trở nên chật chội, bé sẽ chẳng nhào lộn nhiều được nữa mà chỉ đạp bụng mẹ thôi. Thận đã hoàn thiện và mỗi ngày bé đã biết đi tiểu một lần, gan cũng đã có thể lọc chất thải. Càng về cuối thai kì, cơ thể bé càng “gấp rút” hoàn thiện để chuẩn bị cho sự tồn tại độc lập của mình.
————————–
Tuần thứ 35
Sang đến tuần 35, bé tiếp tục phát triển chiều cao và cân nặng nhanh chóng. Tuần này con có thể đạt 2,45kg và dài gần 46,8cm. Thính giác phát triển, lớp lông tơ bao phủ cơ thể rụng dần và chất gây trên cơ thể bé dần bong ra. Bé có thể nuốt vào các chất này cùng nước ối và bắt đầu thải phân su.
————————–
Tuần thứ 36
Hệ tuần hoàn và hệ miễn dịch của bé sẵn sàng hoạt động, gan và thận con cũng đã phát triển toàn diện. Giai đoạn này bé yêu vẫn tiếp tục học cách tự thở để chuẩn bị thích nghi với môi trường bên ngoài bụng mẹ. À, bé nặng khoảng 2,65kg và dài tới 47,4cm rồi đấy!
————————–
Tuần thứ 37
Sang đến tuần 38, bé đã to cỡ 1 quả dưa hấu cỡ trung bình với cân nặng khoảng 2,8kg, dài 48,6cm. Bé hít thở, nháy mắt, mút thuần thục, lớp da mềm và mịn hơn. Lúc này, bé cũng đã biết nắm tay rất chặt rồi và mẹ sẽ sớm cảm nhận được điều này khi bé sinh ra.
————————–
Tuần thứ 38
Bé đã đạt kích thước 49,8cm và nặng 3,1kg, chu vi vòng đầu tương đương vòng bụng. Tóc và móng tay con dài ra, có bé lúc này tóc đã dài tới 2,5cm rồi đấy! Cơ thể bé cũng đầy đặn hơn mỗi ngày do lớp mỡ tích tụ dưới da mỗi ngày 1 dày hơn.
————————–
Tuần thứ 39
50,7cm và 3,3kg là chỉ số chiều dài và cân nặng của bé tuần này. Não bé tiếp tục phát triển rất nhanh và móng tay con mọc dài quá đầu ngón tay rồi. Tuần này, đôi khi mẹ sẽ thấy nhói đau và nhăn mặt vì những cú đá rất mạnh của bé. Mẹ cũng nên để ý các dấu hiệu trở dạ vì đây cũng là thời điểm thích hợp để bé ra đời rồi.
————————–
Tuần thứ 40
Có lẽ mẹ đang sốt ruột để được gặp bé lắm rồi đúng không? Nếu chưa sẵn sàng “chui” ra khỏi bụng mẹ, bé vẫn sẽ tiếp tục phát triển cân nặng và dài ra với chỉ số: 51,4cm chiều dài và 3,5kg cân nặng. Mẹ cũng nên bình tĩnh, thư giãn thay vì quá sốt ruột và lo lắng, tuy nhiên, mẹ cũng nên để ý tới các cử động của bé. Chúng có thể tăng lên hay giảm đi đôi chút nhưng nếu thấy bé hoạt động rất ít thì nên tới viện để kiểm tra.
————————–
Tuần thứ 41
Con vẫn đang tiếp tục phát triển trong bụng mẹ, tóc và móng dài ra, phổi vẫn phát triển và cơ thể bé tiết nhiều chất gây hơn khiến da bé hơi khô. Tuần này, mẹ vẫn chỉ cần thư giãn và giữ tinh thần thoải mái nhất để công cuộc vượt cạn diễn ra suôn sẻ, có thể thử vài biện pháp như kích kích núm vú, mát-xa hoặc sex, ăn các đồ ăn cay,… Chắc chắn mẹ sẽ sớm gặp bé yêu thôi
Thiên An (Tổng hợp từ BBC, Pin, HeathS)
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.