Cảnh báo đỏ từ đàn voi

Cảnh báo đỏ từ đàn voi

Đến nay, số lượng voi hoang dã ở Việt Nam chỉ còn 76 con. Các nhà khoa học cảnh báo, nếu không kịp thời bảo vệ, trong vòng 30 năm nữa, rừng Việt Nam sẽ vắng bóng voi.

Những con số lùi

Cảnh báo đỏ từ đàn voiVoi đã gắn liền với công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước hàng nghìn năm. Nhưng chỉ đến sau ngày thống nhất đất nước, chúng ta mới thống kê được đầy đủ về số lượng voi.

Trong giai đoạn từ 1975 đến 1980, ước tính số voi hoang dã khoảng 1.500 – 2.000 con. Chúng phân bố hầu khắp cả nước và góp phần tạo nên tính đa dạng sinh học của thiên nhiên Việt Nam. Nhưng kể từ năm 1980 trở đi, đàn voi giảm đi nhanh chóng. Hàng ngàn ha rừng bị phá khiến môi trường sống của voi bị hủy diệt hoặc bị thu hẹp. Tập tính sinh học của voi bị rối loạn, ảnh hưởng lớn đến sinh sản phát triển cá thể và quần thể voi.

Bên cạnh đó là nạn săn bắt voi để lấy ngà, da, vòi, răng, xương…, là những cuộc xung đột voi – người. Các hoạt động buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã (trong đó có voi) sang các nước khác qua đường biên giới đang tăng lên bởi những nơi có voi thường ở gần đường biên giới với nước bạn Lào, Campuchia.

Tất cả những điều đó cộng thêm sự phong phú về thế hệ giảm sút dẫn tới hệ quả tất yếu là đàn voi không những không sinh sản, không tăng thêm mà giảm đi vùn vụt. Con số 1.500 năm 1980 giảm xuống nhanh chóng còn 400 con năm 1992, 250 con năm 1995, 160 con năm 1997. Hiện tại, số lượng ước còn 76 con.

Số vùng phân bố chỉ trong vòng 30 năm qua đã giảm đi hơn 50% với 14 khu vực được xác định là có voi sinh sống. Chúng sống phân tán, xé lẻ thành nhiều nhóm, đàn nhỏ và thường xuyên bị đe doạ tuyệt chủng.

Voi lẻ đàn – nguyên nhân và hậu quả

Câu trả lời gần như đã có sẵn. Theo thống kê của các nhà khoa học thì voi Việt Nam tập trung ở hầu khắp các tỉnh Tây Nguyên. Với tốc độ phá rừng xâm hại rừng, số lượng voi ngày một giảm là tất yếu. Chỉ trong vòng ba tháng đầu năm nay, diện tích rừng bị phá tại Đồng Nai là 70 ha và tại Đắc Nông là 59 ha. Đây chính là những nơi tập trung nhiều voi nhất ở Việt Nam.

Rừng – mái nhà muôn thuở của chúng bị phá vỡ do nguồn lợi từ rừng và cả những nguồn lợi từ chính voi. Khi sự sống bị đe dọa, bằng bản năng của mình, voi đã buộc phải tự vệ: di chuyển khỏi nơi nguy hiểm và sẵn sàng tấn công bất cứ ai có khả năng tấn công chúng.

Tính đến năm 2005, cả nước có tới chín khu vực xung đột trên tổng số 14 vùng có voi phân bố. Nghiêm trọng nhất là tại tỉnh Đồng Nai từ 1993-1998 đã có 12 người chết và ở Tánh Linh (Bình Thuận) là 13 người chết.

Khảo sát những vùng được cho là có voi, chúng tôi được biết voi là loài thú hiền lành và rất dễ gần với người. Các nhà khoa học cũng đồng tình với điều này. Thậm chí chúng có thể đến sát người nhưng không tấn công.

Anh Trần Xuân Long, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Phà Lài, vườn quốc gia Pù Mát (huyện Con Cuông, Nghệ An) cho biết: “Nhiều bữa anh em trực tại chòi canh trong rừng. Nửa đêm mở cửa lán là đụng ngay vòi voi đi qua. Thấy động là voi lánh ngay đi chỗ khác”.

Như vậy, voi rất hiền và chúng chỉ nổi xung khi bị xâm phạm môi trường sống. Nhưng dù được xem như nơi sinh sống của voi ít bị xâm phạm nhất thì thời gian gần đây vườn quốc gia Pù Mát cũng chứng kiến những hiện tượng khiến các nhà khoa học phải lưu tâm.

Ông Nguyễn Văn Diễn, Phó giám đốc vườn quốc gia cho biết cuối tháng 3 vừa qua đã bắt gặp một đàn gồm bốn con voi không có ngà di chuyển trong rừng và vài ngày sau lại gặp một con voi cái đi lẻ đàn lại khu vực thác Kèm. Ở một số bản làng có hiện tượng voi về lùa trâu.

Tại vườn quốc gia Pù Mát, người viết bài này và cán bộ kiểm lâm quản lý khu rừng đã tận mắt chứng kiến những biển báo giao thông bị voi quật đổ bên lề đường vào thác Kèm. Thậm chí, biển báo hiệu cấp dự báo cháy rừng cũng bị voi vặn méo mó. Theo giải thích của những người có điều kiện ra vào nơi đây thì voi rất ghét sắt, thép, bê tông và chúng thường nhổ trong mỗi lần bắt gặp.

Vấn đề được đặt ra là đó có phải là bản tính của voi hay voi đang cảm thấy một mối nguy hiểm cận kề. Một điểm đáng lưu ý là loại thức ăn mà voi rất thích là củ chuối và lõi chuối thường bị người dân bản địa sử dụng làm thức ăn. Đây cũng có thể là nguyên nhân khiến voi phá biển giao thông.

Khẩn cấp xây dựng “những mái nhà yên bình”

Nếu không có biện pháp bảo vệ hữu hiệu thì chỉ trong 30 năm nữa, rừng Việt Nam sẽ vắng bóng voi. Để ngăn chặn kịp thời vòng tròn phá rừng – săn bắt – thiệt hại về người, của cải và số lượng voi suy giảm thì cần phải bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng buôn bán trái phép và điều quan trọng là xây dựng được những khu bảo tồn cho voi. Đó là cách tốt nhất để duy trì và phát triển đàn voi hoang dã.

Ông Trần Thế Liên, Phó trưởng phòng Bảo tồn thiên nhiên – Cục Kiểm lâm cho biết Cục Kiểm lâm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang chuẩn bị đệ trình Chính phủ dự thảo Kế hoạch khẩn cấp bảo vệ voi với mục tiêu trước mắt là bảo vệ quần thể voi hiện có ở Việt Nam, tránh tình trạng xung đột voi – người, bảo vệ các cảnh quan vùng sinh cảnh nơi có voi đang sinh sống. Về lâu dài, cần bảo tồn, phát triển bền vững quần thể voi ở Việt Nam, bảo tồn toàn vẹn môi trường sống cho voi. Để bảo tồn loài voi có thể sử dụng hai biện pháp: bảo tồn chuyển chỗ và bảo tồn tại chỗ.

Biện pháp thứ nhất đã được áp dụng cho đàn voi ở Tánh Linh (Bình Thuận) nhưng đó là trong những trường hợp bất khả kháng khi voi đã mất vùng thức ăn – sinh sống. So với biện pháp thứ nhất thì biện pháp thứ hai – bảo tồn tại chỗ có hiệu quả hơn hẳn: giữ nguyên được vùng thức ăn – sinh sống của voi, tập trung được lượng voi với số lượng lớn với nhiều thế hệ, cá thể voi, tạo ra khả năng phát triển bền vững cho voi. Sử dụng biện pháp này cũng có thể tránh được khả năng đàn voi di chuyển từ cánh rừng này sang cánh rừng khác dẫn tới việc chúng di chuyển sang nước bạn (qua đường biên giới).

Voi nặng trung bình 3,5 – 5 tấn, có tuổi thọ 80-90 năm hoặc hơn nữa, chu kỳ sinh sản 4-5 năm mỗi lứa, thời gian mang thai 21-22 tháng, mỗi lần đẻ một con. Chúng từng sống rải rác ở Lai Châu, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Tây Nguyên, Bình Phước, Đồng Nai… nhưng hiện còn rất ít. Mức độ đe dọa tuyệt chủng bậc V.

Cùng là loài thú lớn ở Việt Nam như Voi có Tê giác và Heo vòi đã bị tuyệt chủng trong thế kỷ 20. Và hiện nay, không chỉ có Voi mà cả Tê giác một sừng, Bò xám, Hổ, Gà lôi lam trắng, Gà lôi lam màu đen, Gà lôi lam đuôi trắng, Cá sấu nước ngọt… cũng đang có nguy cơ bị tuyệt chủng.

Tuy nhiên, để thực hiện biện pháp trên phải lựa chọn được một vùng thức ăn – sinh sống cho voi đáp ứng những điều kiện: số lượng cá thể trong quần thể voi phải từ 10-20 con và đàn voi phải có đầy đủ các thế hệ để bảo đảm cho sự sinh sản, diện tích vùng thức ăn – sinh sống phải đủ lớn.

Hiện các chuyên gia bảo tồn đã xác định được ba địa điểm có thể thiết lập vùng bảo tồn voi đặc biệt. Lớn nhất sẽ là vùng bảo tồn voi đặc biệt ở mảnh đất màu mỡ Tây Nguyên. Đây là nơi tập trung nhiều voi nhất ở Việt Nam với hai quần chủng voi hoang dã đang sinh sống ở vùng rừng thuộc các huyện Đắc Min, Cư Zút, Buôn Đôn, Ea Súp (Đác Lắc).

Vì vậy diện tích của vùng bảo tồn voi đặc biệt này (cho voi hoang dã và voi thuần dưỡng) sẽ là khoảng 250.000 ha với trọng tâm là Vườn quốc gia Yok Đôn và có thể bao gồm thêm vùng Tiêu Tẹo (phía Tây Nam tỉnh Gia Lai).

Vùng bảo tồn voi đặc biệt thứ hai ở vùng rừng tự nhiên tỉnh Đồng Nai. Hiện vùng này có khoảng 10 con voi sinh sống trong phạm vi hoạt động khá ổn định mà trọng tâm là vùng rừng thuộc Vườn quốc gia Cát Tiên, Khu dự trữ thiên nhiên Vĩnh Cửu với diện tích khoảng 160.000 ha (cho voi hoang dã).

Còn lại là vùng bảo tồn voi đặc biệt ở vùng rừng Tây Nam tỉnh Nghệ An. Quần chủng voi ở đây khoảng 10 con nhưng chúng thường xuyên di chuyển giữa biên giới hai nước Việt – Lào. Do vậy vùng bảo tồn sẽ bao gồm giải rừng giáp biên giới thuộc các huyện Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương và sẽ có sự hợp tác quốc tế với Lào. Diện tích của vùng bảo tồn này sẽ chiếm khoảng 200.000 ha (cho voi hoang dã).

Cả ba vùng đất trên đều có được những lợi thế để đáp ứng cho việc bảo tồn và phát triển đàn voi hoang dã ở Việt Nam: vùng sinh cảnh rộng lớn, nguồn thức ăn phong phú và thích hợp, có nguồn nước và nguồn muối khoáng tự nhiên cần thiết cho dinh dưỡng và sinh sản của voi. Chắc chắn đây sẽ là những mái nhà bình yên cho voi cư trú.

 

Theo Nhân dân