Cảnh báo môi trường Hà Nội

Diễn đàn quốc gia về sức khỏe môi trường dành cho 32 tỉnh thành phía bắc vừa được tổ chức tại Hà Nội đã đưa ra lời cảnh báo khá sâu sắc về sức khỏe môi trường của TP Hà Nội.

Từ chất thải rắn gây ô nhiễm…

Những con đường vành đai suốt ngày mịt mù bụi cuốn (Ảnh: vacne)

Với khoảng ba triệu dân, lượng chất thải rắn của toàn thành phố thải ra lên tới hàng trăm tấn mỗi ngày, nhưng đáng lưu ý hơn, theo các nhà khoa học, không chỉ là khối lượng chất thải mà là lượng chất thải rắn nguy hại, chủ yếu là chất thải công nghiệp và chất thải y tế Hà Nội đứng thứ nhì trong cả nước, chỉ sau TP Hồ Chí Minh, về lượng chất thải nguy hại. Nếu phân lượng chất thải y tế nguy hại theo địa bàn thì chỉ riêng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã chiếm tới 35% cả nước. Trung bình mỗi ngày toàn TP Hà Nội thải ra 59,3 tấn rác thải công nghiệp và 1,65 tấn rất thải y tế. Tuy đã có một số công ty tư nhân nhận xử lý chất thải nguy hại, nhưng do năng lực còn hạn chế nên công tác xử lý vẫn chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường.

Theo Tiến sĩ Trần Hồng Hà, Cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường, nếu không được quy hoạch và đầu tư xứng đáng hơn từ các cấp chính quyền trung ương và địa phương thì chẳng bao lâu nữa, chất thải nguy hại sẽ trở thành một thách thức lớn với Hà Nội.

Đến nước mặt, nước ngầm ô nhiễm

Theo phản ánh của không ít bạn đọc, trong khi nước sông Nhuệ sông Đáy bị ô nhiễm nghiêm trọng, một số khu vực bị ô nhiễm kim loại nặng cục bộ thì nguồn nước ngầm tại Hà Nội cũng rất đáng báo động. Bên cạnh đó, đối với nhiều tỉnh thành miền bắc, vấn đề ô nhiễm asen (thạch tín) trong nguồn nước ngầm đang trở thành bức xúc lớn trong đời sống dân sinh. Gần 70% mẫu nước tầng trên và gần 50% mẫu nước tầng dưới ở Hà Nội có nồng độ asen cao hơn mức cho phép hàng chục lần.

Các nhà khoa học cảnh báo việc sử dụng nước giếng khoan trong ăn uống, sinh hoạt có nguy cơ bị nhiễm độc asen, về lâu dài có thể bị ung thư da, ung thư nội tạng và các bệnh về tim mạch. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quý Hòa, chuyên gia UNICEF, asen là một chất cố thể phân tách được khỏi nguồn nước một cách không quá khó khăn. Ở quy mô hộ gia đình, có thể xây dựng bể lọc sử dụng một số loại vật liệu sẵn có như đá ong, cát vàng, xỉ than, trấu, vật liệu khử sắt măng gan…

Không khí cũng ô nhiễm nặng!

Số liệu từ Viện Y học Lao động và vệ sinh môi trường cho thấy, vào những giờ cao điểm, Hà Nội có nồng độ bụi cao gấp 4 lần tiêu chuẩn cho phép, CO cao gấp 2,5 đến 4,4 lần, hơi xăng từ 12,1 đến 2.000 lần! Trẻ ở lứa tuổi học đường sống quanh các nút giao thông bị ảnh hưởng tới sức khỏe rất rõ rệt: mắt, mũi, họng, da và thần kinh thực vật bị kích thích, tỷ lệ mắc bệnh lý đường hô hấp cao hơn hẳn so với nhóm đối chứng. Tại các vị trí đặt trạm quan trắc không khí như ở đường Phùng Hưng, khu dân cư phố Lý Quốc Sư (quận Hoàn Kiếm), khu công nghiệp Như Quỳnh, nồng độ khí S02 cao hơn đáng kể so với tiêu chuẩn cho phép.

Trong một cuộc khảo sát ý kiến 1.500 người dân Hà Nội gần đây cho thấy, có tới hơn 66% nhận định rằng môi trường không khí ở Hà Nội bị ô nhiễm nặng và khá nặng, 32% cho là “ô nhiễm nhẹ“, chỉ 2% cho rằng họ vẫn được “tận hưởng không khí trong lành”.

Rõ ràng, những con số biết nói nêu trên đang cùng “nói” lên một điều: Hà Nội đang đứng trước rất nhiều thách thức về môi trường, đang có rất nhiều việc phải làm để cải thiện chất lượng môi trường, để góp phần bảo vệ sức khỏe cho người dân Thủ đô.

 

Theo Sài Gòn giải phóng, Nhân dân