Sự gia tăng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính có thể gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng hơn con người vẫn nghĩ, một báo cáo khoa học mới đây cảnh báo.
Dải băng Greenland đang tan chảy nhiều hơn dẫn đến mực nước biển tăng (Ảnh: .tomaatne) |
Báo cáo trên do chính phủ Anh công bố cho biết chỉ có một ít cơ hội cho việc giữ mức khí thải gây hiệu ứng nhà kính dưới mức “nguy hiểm”.
Báo cáo cũng lo ngại dải băng Greenland đang tan chảy nhiều hơn dẫn đến mực nước biển tăng 7m trong 1.000 năm tới. Các quốc gia nghèo nhất sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất dưới các tác động này.
Báo cáo này là bản đối chiếu với báo cáo tại một hội nghị khoa học do Bộ khí tượng Anh tổ chức vào tháng 2-2005. Hội nghị này thảo luận 2 vấn đề chính: nguyên nhân dẫn đến khí thải gây hiệu ứng nhà kính quá nhiều và các chọn lựa để tránh lượng khí thải đó.
Trong lời mở đầu của bản báo cáo, thủ tướng Anh Tony Blair viết: “Rõ ràng hiện nay khí thải gây hiệu ứng nhà kính đang gây ra toàn cầu ấm lên ở một mức độ không thể chống đỡ được”. Bộ trưởng Bộ Môi trường Margaret Beckett thì nói kết luận của bản báo cáo sẽ là một cú sốc cho nhiều người.
Bản báo cáo cũng đề cập đến các tác hại của tăng nhiệt độ không khí. Mặc dù Liên minh châu Âu (EU) đã nhắm đến mục tiêu ngăn chặn tăng nhiệt độ toàn cầu xuống mức hơn 20C nhưng theo bản báo cáo, chỉ với 20C nói trên cũng đã đủ gây tan băng ở dải băng Greenland. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến mực nước biển toàn cầu.
Về căn bản, ảnh hưởng đó sẽ là “gây tuyệt chủng cho một số lớn các loài” và “là nguyên nhân chính làm tăng nạn đói và nguy cơ thiếu nước, đặc biệt ở các nước đang phát triển”.
Báo cáo cũng đề nghị các nhà khoa học tính toán lại lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong không khí đủ gây “nguy hiểm” cho tăng nhiệt độ.
T.VY (Theo BBC)
Theo Tuổi trẻ Online