Cảnh báo sốc nhiệt mùa hè do nắng nóng

Sốc nhiệt do nắng nóng là hiện tượng thường gặp nếu như cơ thể lao động, tập luyện dưới thời tiết có nhiệt độ trên 39 độ C mà không cung cấp đủ nước để bù lại mồ hôi đã toát ra. Cơ chế điều nhiệt bị ảnh hưởng, gây kích thích nhiệt dẫn đến nhiệt độ tăng kịch phát, protein đông vón, tổn thương cơ quan điều nhiệt

Sốc nhiệt có 2 dạng là gắng sức và kinh điển. Sốc nhiệt kinh điển thường gặp khi nhiệt độ lên cao trên 39 độ liên tiếp trong 2-3 ngày trở lên gây ảnh hưởng đến những người mắc bệnh và người già, còn sốc nhiệt gắng sức gặp ở những vận động viên thể thao, tập luyện dưới thời tiết nắng nóng.

Những đối tượng thường bị sốc nhiệt khi trời nắng to là trẻ sơ sinh, người già, người có tiền sử bệnh tim mạch, vận động viên tập luyện dưới nắng nóng.
Triệu chứng khi bị sốc nhiệt: thở gấp, đau đầu, mệt mỏi, huyết áp tăng, thở nhanh và nông..
Cách cấp cứu là cần đưa người bị sốc nhiệt vào khu vực râm mát, không có ánh nắng mặt trời, gọi cấp cứu, cho uống nước mát không chứa caffein, quạt cho nạn nhân bằng quạt tay hoặc tờ báo để dịu cơn nóng.
Tránh thay đổi nhiệt đột ngột

Những ngày nắng nóng, khi đi trên đường dưới ánh nắng chói chang, mồ hôi đầm đìa, bất cứ ai cũng muốn dừng lại để vào chỗ có điều hòa mát mẻ. Tuy nhiên, nếu đang đi ở trong nhiệt độ 34-35 độ C mà bước vào phòng, trung tâm thương mại, siêu thị có nhiệt độ 20-22 độ C sẽ rất nguy hiểm.

Theo các bác sĩ, khi nhiệt độ cao làm toát mồ hôi, cơ thể đang ở mức nhiệt cao, nếu đi vào nơi có nhiệt độ thấp khiến cho việc toát mồ hôi bị ngừng lại, lỗ chân lông đóng, nhiệt độ giảm sẽ khiến cho cơ thể bị ảnh hưởng không hề nhỏ. Khi từ ở nơi nóng bước vào nơi lạnh như vậy, nhiệt độ giảm đột ngột rất dễ dẫn đến đột quỵ

Trong trường hợp nhẹ, cơ thể sẽ có biểu hiện mệt mỏi, lờ đờ, choáng nhưng trường hợp nặng có thể bị ngất xỉu, hôn mê. Thân nhiệt do vùng đồ thị trong não điều khiển, khi nhiệt độ tăng cao khiến cho mạch máu giãn, kích thích ra nhiều mồ hôi. Còn khi nhiệt độ giảm thì mạch máu co lại, cơ thể tăng nhiệt.

Giải pháp để tránh bị sốc nhiệt do đi ngoài trời nắng vào cần dừng lại 5-10 phút đứng ở bóng râm cho ngừng tiết mồ hôi rồi mới bước vào phòng có điều hòa. Lưu ý phòng điều hòa không ở mức nhiệt quá thấp, ví dụ nhiệt độ ngoài trời 40 độ C thì điều hòa cũng cần ở mức 28 độ C. 

Người mắc bệnh tim mạch cần lưu ý

Thời tiết nắng nóng ảnh hưởng rất nhiều đến những người bị mắc bệnh tim mạch. Đặc biệt với những người mắc tim bẩm sinh hoặc động mạch vành… những ngày nắng nóng làm cho các thành mạch giãn ra, tim phải co bóp nhiều dẫn đến nguy cơ tử vong. 

Cho nên vào những ngày nắng nóng, người bị tim mạch cần chú ý hạn chế lượng muối trong từng bữa cơm, không ăn mặn. Tuyệt đối không uống đồ uống có cồn, cà phê, bia, duy trì đủ lượng nước 2lít/ngày. Không đi lại nhiều dưới nắng nóng, đặc biệt từ 10h sáng đến 4h chiều (thời điểm ánh mặt trời chiếu mạnh nhất trong ngày).

Còn ở những người bị động mạch vành, do ngày nắng nóng tim phải co bóp nhiều có thể dễ thiếu máu cơ tim. Những người bị mắc bệnh tim bẩm sinh trong đó trẻ em dễ bị mất nước dẫn đến tắc mạch máu não, thiếu oxy dẫn đến tím tái.

Diệu Châu
(Theo Congluan.vn)

 

 

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.