Trong xã hội ngày nay, các vật nuôi trong nhà như chó, mèo… dần trở thành những người bạn thân thiết, những thành viên nhỏ không thể thiếu trong nhiều gia đình. Tuy nhiên, ít người ý thức được một thực tế là chủ nuôi cũng có nguy cơ mắc phải các căn bệnh phiền toái từ thú nuôi nếu không biết cách phòng tránh.
Từ bệnh ngoài da như nổi mẩn, lở loét,…
Khi tiếp xúc trực tiếp với vật nuôi trong nhà, nhiều người bị “tấn công” bởi những nốt mẩn đỏ, dị ứng, phát ban do ký sinh trùng có trên chó mèo gây ra. Nếu không được điều trị đúng cách có thể gây lở loét, nhiễm trùng, bội nhiễm phải chữa trị mất rất nhiều thời gian.
Chị Lan Thu (Gia Lâm – Hà Nội) nhập viện Da Liễu do những vết lở loét, mưng mủ kéo dài. Nguyên nhân là vì bị ký sinh trùng có trên chú cún cưng của gia đình tấn công. Chị nói: “Ban đầu, tôi chỉ thấy có vài nốt như nốt muỗi đốt xuất hiện, sau càng ngày càng nhiều. Những nốt đó rất ngứa nên tôi cứ gãi và bị nhiễm trùng như bây giờ”. May thay, trường hợp của chị bị nhẹ, chỉ cần chăm sóc vết thương đúng cách và dùng thuốc kháng sinh là ổn.
… đến bệnh nghiêm trọng như dại, tiêu chảy, hen suyễn
Nhiều gia đình để con nhỏ chơi với chó mèo thường xuyên, coi đó là một việc rất bình thường. Tuy nhiên, việc trẻ nhỏ mắc bệnh lây từ chó mèo cũng không phải là hiếm, nhất là khi các vật nuôi này không được vệ sinh sạch sẽ.
Như trường hợp chị Thu Hà (Đống Đa – Hà Nội) vừa đưa con đi khám ở viện Nhi TW, bác sĩ kết luận cháu bé bị sốt cao do viêm hạch bởi bọ mèo gây ra. Chị cho hay: “Tôi nghĩ mèo nhà nuôi chứ có phải mèo hoang đâu mà sợ bệnh dại hay bệnh tật gì, nào ngờ…”
Không chỉ gây ra bệnh viêm hạch mà việc tiếp xúc với các loài vật nuôi thường xuyên còn dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh như bệnh dại, tụ cầu, khuẩn tả và virut viêm màng não… Đây là các bệnh rất nguy hiểm, nếu không được phát hiện và điều trị đúng cách có thể gây tử vong.
Nhiều mẹ thắc mắc, tại sao con được chăm sóc cẩn thận, vệ sinh sạch sẽ, thực hiện ăn chín uống sôi vậy mà vẫn bị mắc tiêu chảy. Chị Bích Hạnh (Sơn Tây – Hà Nội) kể: “Thấy con sốt cao, miệng nôn chôn tháo mà không biết lý do tại sao, 2 vợ chồng đưa cháu đi viện. Đến đó, bác sĩ làm xét nghiệm xong và kết luận con tôi bị nhiễm khuẩn tả từ vật nuôi”.
Đến khi bác sĩ kết luận như vậy rồi, chị mới chột dạ thấy đúng là con thường ôm ấp, vuốt ve chú chó nhỏ ở nhà thật. Mặc dù, chú chó đó được tắm thường xuyên, sạch sẽ, nhưng lại thích lăn trên sân, từ đó vi khuẩn và mầm bệnh có thể lưu lại trên lông và da của chúng. Lúc này, việc ôm ấp chó khiến con tiếp xúc trực tiếp với nguồn bệnh.
Ngoài ra, việc gần gũi kết thân với vật nuôi còn có thể dẫn tới tình trạng khó thở, dị ứng, bệnh hen suyễn, ho kéo dài… do những sợi lông của chúng lọt vào khí quản.
Bé Lan Anh (3 tuổi – Hà Đông – Hà Nội) bị ho dai dẳng kéo dài cả tháng trời, qua 2 đợt điều trị kháng sinh mà bệnh tình vẫn không được khỏi dứt điểm. Ho kéo dài khiến cháu mệt mỏi, chán ăn, sức đề kháng yếu đi trông thấy. Mẹ bé lại tiếp tục đưa cháu đi đến viện Nhi khám lại. Ở đây bác sĩ kết luận bé đã bị hen suyễn, qua kiểm tra thấy trong khí quản có rất nhiều sợi lông nhỏ của chó mèo. “Về nhà tôi sẽ cách ly vật nuôi ra một khu riêng biệt trong nhà để cháu không bị ảnh hưởng bởi lông của chúng nữa. Hy vọng bệnh của cháu sẽ nhanh khỏi”. – mẹ của cháu Lan anh chia sẻ.
Một bệnh vô cùng nguy hiểm khác tiềm ẩn trong thú nuôi đó là căn bệnh dại. Bệnh này có nguy cơ tử vong cao nếu không được cứu chữa kịp thời. Nước bọt của vật nuôi bị bệnh dại sẽ xâm nhập vào cơ thể con người qua những vết cào, cắn. Khi bị chó mèo cào, cắn, nạn nhân cần theo dõi vật nuôi xem có biểu hiện dại hay không. Nếu có biểu hiện bất thường cần phải đến cơ sở y tế để được tiêm phòng bệnh dại. Đồng thời cần phải theo dõi vật nuôi ít nhất trong vòng 10 ngày để có hướng điều trị tích cực.
Mặt khác, vật nuôi còn có thể lây bệnh giun sán, sốt uốn ván, hiện tượng nhiễm virut và nhiễm trùng khác. Đặc biệt, ấu trùng giun đũa trú ngụ trong đường ruột của vật nuôi và theo phân ra ngoài cũng có thể xâm nhập vào cơ thể con người theo nhiều cách. Khi bị nhiễm bệnh, người bệnh thường có các biểu hiện như sốt, ho, hắt hơi – những dấu hiệu ban đầu này dễ nhầm với dấu hiệu cảm cúm mà nhiều người chủ quan bỏ qua. Đến khi bệnh phát triển nặng hơn sẽ gây ra nốt ban, nổi hạch, sưng và gây đau. Ấu trùng giun này có thể lan truyền khắp các bộ phận trong cơ thể theo đường máu. Vì thế người bệnh có nguy cơ nhiễm u hạt ở mặt, ở não…
Những lưu ý để phòng tránh nhiễm bệnh từ thú cưng:
– Thường xuyên tắm rửa, vệ sinh sạch sẽ cho vật nuôi.
– Không ngủ chung, mang vật nuôi lên giường chơi. Cần có chỗ ngủ riêng tách biệt cho những vật nuôi trong nhà.
– Hạn chế âu yếm, hôn chó mèo để tránh lây ký sinh trùng, mầm bệnh.
– Rửa tay sạch sẽ sau khi tiếp xúc với vật nuôi.
– Cần tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi trong nhà.
Hạnh Vân
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.