Câu chuyện cuối tuần: Ly sữa và trí thông minh của con

Cuối tuần rảnh rồi, tôi ôm con ra ngồi tán gẫu với các mẹ bỉm sữa trong xóm và vô tình chứng kiến một câu chuyện khá vui của một ông bố và cô nhân viên tiếp thị sữa. Chả là cô nhân viên nọ cứ mải miết quảng cáo về hãng sữa nọ có tác dụng “thần kì” là giúp tăng cường phát triển trí thông minh của trẻ, rằng bé nào uống sữa đó sẽ thông minh vượt trội, cao lớn vượt trội,… Và theo như ý cô ấy, bé nào không uống sữa đó là sẽ kém thông minh, sẽ “đần độn” hơn các bạn khác, rằng sữa mẹ thôi thì chưa đủ, rằng thức ăn hàng ngày không giúp nâng cao chỉ số IQ,…

Trong khi các mẹ đang nghe như nuốt lấy từng lời, thì một ông bố bỗng hóm hỉnh lên tiếng: “Em ơi, thằng con anh nó giống bố nên… đần độn lắm! Phải uống bao nhiêu hộp thì cháu sẽ thông minh để anh mua một thể nào?”. Các bà mẹ xung quanh đang há hốc miệng nghe bỗng bật cười, còn cô tiếp thị sữa thì chưng hửng. Rốt cuộc, cô ấy cũng chẳng bán được hộp sữa nào sau bao lời quảng cáo “có cánh”.

Câu chuyện vui vui là vậy, nhưng cũng có thể thấy được việc các hãng sữa đang đánh vào tâm lý muốn con minh thông minh hơn của nhiều bậc cha mẹ ngày nay. Thế nên nghe quảng cáo loại sữa này phát triển IQ, loại sữa kia lại tăng khả năng sáng tạo, chiều cao,… là bố mẹ thi nhau mua bằng được. Trẻ sơ sinh có loại sữa sơ sinh, vài tuổi có loại vài tuổi, rồi thi nhau nhồi nhét mà không cần biết con mình có thích không, có phù hợp với thể trạng của con không,… mà chỉ cần hợp tâm lý cha mẹ là được. Và nếu theo lẽ đó chắc khoảng 20 năm nữa Việt Nam sẽ thành quốc gia có nhiều bác học, người mẫu nhất thế giới mất! 

Tôi không chê sữa không tốt, cái tôi muốn nói tới là tâm lý của cha mẹ. Nhiều người đã không còn tỉnh táo để lựa chọn những gì phù hợp với con trẻ, luôn bị loá mắt bởi quảng cáo và đặc biệt cả tâm lý sính ngoại nữa. Lại có câu chuyện, một bà mẹ nọ mới sinh xong, được người ta tới thăm và cho hộp sữa nội thì bĩu môi bảo chồng: “Anh mang cho ai thì cho, chứ con mình là phải uống sữa ngoại. Thời buổi này phải cho con uống sữa ngoại mới đảm bảo, mới đủ chất, mới thông minh, chứ sữa nội uống chỉ tổ… đầy bụng!”. Ôi, nếu vậy thì những mẹ không có điều kiện để mua sữa ngoại cho con, nhất là những mẹ thậm chí không đủ tiền mua sữa nội, chắc con cái họ không thế lớn được và đặc biệt là trí tuệ sẽ… không bình thường???

>> Xem thêm: Cháo hay cơm rồi thì con cũng lớn

Phải, trí thông minh rất quan trọng nhưng thông minh và thành công hoàn toàn khác nhau, để thành công còn cần nỗ lực, chăm chỉ, may mắn, thời cơ,… những cái đó phụ thuộc vào sự chăm sóc, dạy dỗ của cha mẹ, ông bà,… chứ đâu chỉ phụ thuộc vào sữa. Hơn nữa, dường như nhiều bố mẹ vẫn chưa hiểu đầy đủ về trí thông minh, nhiều người cho rằng chỉ cần con làm toán được 10, viết văn được 9 là thông minh, trong khi đó là cả một hệ thống khả năng tư duy, sáng tạo, trí nhớ, óc tưởng tượng, kĩ năng thực hành và cả sự thích nghi hoàn cảnh. Và trí thông minh phải được rèn giũa, tôi luyện qua năm tháng, qua những thực hành cụ thể ở trường, ở cuộc sống,…

Vậy thì liệu vài chục hộp sữa có giúp con trẻ trở thành bác học không? Rồi các mẹ thử nghĩ nhé: đi học về các con khoe hôm nay được điểm 10, xong chạy thẳng vào nhà, chả cần biết vài ba người khách của mẹ ngồi đó, cũng không cần chào hỏi mà cứ chạy thẳng vào phòng, lúc đó các mẹ thế nào? Hay như một số bé, thành tích học tập lúc nào cũng cao ngất ngưởng, nhưng khi được về quê hoặc ra ngoại thành chơi, nhìn đàn trâu, con vịt mà cứ phân vân không biết đó là trâu hay bò, vịt hay ngan,…Và đâu thiếu các cậu ấm cô chiêu đạt đủ mọi danh hiệu học sinh giỏi nhưng chưa biết cắm cho mẹ nồi cơm hay nhặt rau giúp mẹ. Đó là kết quả của việc bố mẹ dạy dỗ theo kiểu: “con cứ lo học thôi, việc khác đã có bố mẹ lo”. Nhưng thử hỏi với sự “thông minh” nhưng hoàn toàn không biết chút gì về kĩ năng sống, thực hành đó, liệu trẻ có gặt hái được thành công?

Thế nên, bố mẹ hãy tôn trọng sở thích, nhu cầu của trẻ. Uống sữa tốt nhưng hãy uống đúng cách, đúng thời điểm, và hãy nhớ hỏi con mình xem chũng có thoải mái không. Vẫn biết cha mẹ nào cũng chỉ muốn mang lại cho con những gì tốt đẹp nhất, nhưng đừng quên chúng ta cũng cần tôn trọng cảm nhận, sở thích của con.

Mèo Hoa

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.