Cây bần chua giảm thiên tai, giúp dân tăng thu nhập

0
119

Cây bần chua được trồng trên tuyến đê của xã Triệu Phước thuộc huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị không chỉ trở thành một “vành đai xanh” chắn sóng mà còn tạo thêm thu nhập cho người dân.

Triệu Phước là một xã vùng trũng nằm sát cửa biển Cửa Việt, thuộc huyện Triệu Phong tỉnh Quảng Trị. Những năm trước đây, hầu như năm nào người dân xã Triệu Phước cũng găp không ít thiên tai như: mưa bão, lốc xoáy, đất đai nhiễm mặn, sự xâm thực của biển… “Lúc đó, đất đai bị nhiễm mặn nặng nên không cây, con gì sống được. Người dân chỉ biết bám lấy mấy sào ruộng để chống đói qua ngày”, anh Trần Bá Dũng, người dân xã Triệu Phước cho biết.

Cây bần chua

Trong 2 năm qua, UBND tỉnh Quảng Trị đã có Quyết định số 107 ngày 23/7/2010 và Quyết định số 1297 ngày 5/7/2011 về việc trồng cây chắn sóng tại tuyến đê Triệu Phước. Đây được xem là một trong những giải pháp để phòng ngừa và giảm nhẹ thiên tai, góp phần cải thiện môi sinh, môi trường. Bên cạnh đó, chương trình còn góp phần tạo việc làm và cải thiện thu nhập cho những người dân thụ hưởng.

Tính đến thời điểm này, dự án trồng cây chắn sóng thuộc tuyến đê Bắc Phước đã triển khai trồng mới cây bần chua với chiều dài hơn 4km, diện tích 17ha, với mật độ trồng 1.600 cây/ha. “Từ khi có chương trình trồng cây bần chua ngập mặn chắn sóng, nhiều loài cá, tôm, cua đã tới sinh sống dưới gốc cây bần chua. Cùng với đó, còn có rất nhiều loài chim về trú ngụ như sếu, cò, vạc…”, ông Nguyễn Văn Thuẩn, trưởng thôn Hà La cho biết.

Còn anh Trần Văn Giáp, chủ trang trại khai thác hải sản tại tuyến đê bao xã Triệu Phước cũng hồ hởi cho biết. “Tôi đã quyết định ra đây đấu thầu để khai thác hải sản hằng năm. Ngoài tiền đấu thầu thì không phải chi phí thêm gì khác. Cứ mỗi kg cua nước lợ có giá từ 400 – 800 nghìn đồng tùy vào từng loại cua. Mỗi năm gia đình tôi lãi ròng từ 40 – 50 triệu đồng”.

Theo ông Nguyễn Văn Thanh, chủ tịch UBND xã Triệu Phước, đề án trồng cây bần chua chắn sóng, tạo sự đa dạng về hệ sinh thái cũng như giảm thiểu sự biến đổi khí hậu bước đầu cho kết quả khả quan. Vì vậy, xã sẽ tiến hành trồng phủ loại cây này trên khắp vùng ven biển trong những năm tới.

Mô hình trồng cây chắn sóng tại tuyến đê biển Triệu Phước cũng là mô hình trồng cây ngập mặn chắn sóng đầu tiên tại tỉnh Quảng Trị.

 

Theo Đất Việt