Bước vào thế kỷ XXI, dân số thế giới đã tăng nhanh một cách đáng kể trong khi diện tích nông nghiệp ngày một giảm đi vì đô thị hoá và công nghiệp hoá.
Chỉ trong 7 năm, từ năm 2000 đến năm 2007, nông nghiệp Việt Nam đã “mất” trên 500.000ha vì quá trình này.
Với việc tăng/giảm như vậy, thế giới cần phải sản xuất một lượng lương thực nhiều gấp đôi để nuôi 8 tỷ người vào năm 2025, nhiều gấp ba để nuôi 10 tỷ người vào năm 2050.
Kể từ khi Crick & Watson lập được bản đồ ADN (1953), ngành công nghệ sinh học (CNSH) đã gặt hái nhiều tiến bộ vượt bậc trong đó di truyền tạo giống đã có những bước đi ngoạn mục. Kỹ thuật biến đổi gen đã cho thấy có khả năng tạo một bước nhảy vọt, hơn hẳn kỹ thuật tạo giống cổ điển Mendel trong cuộc “cách mạng xanh” của thập niên 60 của thế kỷ trước, mà nay đã kịch trần, không còn có khả năng tăng năng suất cao như trước (75%), chỉ còn khoảng 1,5%/năm.
Cà chua cũng là một trong những giống cây được biến đổi gen. (Ảnh minh họa: Topnews) |
Kỹ thuật biến đổi gen không những tăng năng suất và chất lượng cây trồng (nhờ chống sâu bệnh hại, chịu khí hậu nóng lạnh, cỏ dại, kéo dài thời gian bảo quản…) mà còn cải thiện được môi trường (giảm lượng sử dụng phân bón và thuốc BVTV), bảo vệ sức khoẻ của nông dân (ít tiếp cận với hoá chất và thuốc BVTV) và người tiêu dùng (thức ăn không có dư lượng hoá chất).
Sau khi các công ty sinh học Calgene và Monsanto(Hoa Kỳ) nghiên cứu thành công và đưa ra thị trường hàng loạt giống cây biến đổi gen có nhiều ưu điểm như khả năng kháng sâu bệnh và chịu được thuốc trừ cỏ dại thì việc sử dụng cây biến đổi gen bùng nổ, trở thành một nhóm cây được phát triển đại trà nhanh nhất trong lịch sử nông nghiệp thế giới.
Chỉ trong vòng 13 năm từ 1995 đến 2008, diện tích canh tác các loại cây nông nghiệp biến đổi gen đã tăng vọt từ 1,6 triệu ha lên 125 triệu ha. Trong đó nhiều nhất là Hoa Kỳ (63%), Argentina (21%), Canada (6%), Ấn Độ (8%), Brasil (4%), Trung Quốc (4%) và Nam Phi (1%)… Ở Hoa kỳ nông dân đã sử dụng rất nhiều giống cây biến đổi gen, ví dụ như đậu tương, chiếm 89% tổng diện tích canh tác, bông vải (83%), cải dầu (75%), ngô (60%), đu đủ Hawaii (+50%), và một ít các giống cà chua, mía, củ cải đường, và lúa gạo v.v… Tuy chỉ có 22 loại cây được biến đổi gen nhưng chúng đã có mặt hầu như trong tất cả 500 loại thực phẩm được bày bán trong siêu thị Hoa Kỳ, từ thức ăn trẻ em, sôcôla, khoai tây chiên, đến các món mì Ý, bánh ngọt, bánh mì.
Tuy ồ ạt như thế nhưng khác với công nghệ máy tính và điện thoại di động được cả thế giới vồ vập săn đón, thì công nghệ di truyền – đặc biệt là thức ăn biến đổi gen – lại gặp nhiều phản ứng khác nhau của giới tiêu thụ, mà trong đó Âu châu và Nhật chống đối mạnh mẽ nhất, Úc và Tân Tây Lan thì dè dặt hơn, cho phép tiêu thụ nhưng phải dán nhãn. Riêng Phi châu – nơi hằng năm nạn đói thường xảy ra – thì phản ứng lại rất gay gắt. Năm 2003, Chính phủ Zambia từ chối không nhận viện trợ LHQ chỉ vì ngô viện trợ là thức ăn biến đổi gen. Hành động này đã làm cho nạn đói của Zambia trở nên quá tồi tệ nên năm 2005 Chính phủ phải thay đổi thái độ, nhận lại viện trợ, trong khi Bộ trưởng Nông nghiệp Zambia vẫn khẳng định luật cấm thức ăn biến đổi gen vẫn còn hiệu lực. Ông nói: “Chúng tôi không muốn thức ăn biến đổi gen và chúng tôi hy vọng rằng tất cả chúng ta đều tiếp tục sản xuất thức ăn không biến đổi gen”.
Mười ba năm tuy chưa phải là một chặng đường dài để kết luận về cây biến đổi gen. Nhưng với chừng đó thời gian, chúng ta cũng đã thấy được một số kết quả sau đây đáng để tham khảo:
1. Năng suất: Trong tất cả các giống cây biến đổi gen hiện đang sử dụng, chưa có giống nào đặt mục tiêu trực tiếp tăng năng suất vì không có gen năng suất cao. Năng suất cây biến đổi gen chỉ cao hơn cây bình thường nếu cây bình thường không được phun xịt để chống cỏ dại hoặc sâu bệnh. Tổng kết 8.200 nghiên cứu ở các đại học Hoa Kỳ cho thấy giống RR đậu nành đạt năng suất kém hơn giống đối chứng 7-10% (Brendrook, 1999).
2. Lai tạp: Nghiên cứu cho biết sẽ xảy ra sự lai tạp giữa cây biến đổi gen và giống cây dại cùng họ. Nghiên cứu của nhóm Giáo sư Alison Snow tại đại học Ohio, Hoa Kỳ đã chứng minh có sự lai tạp giữa giống hướng dương “Round-Up Ready Sunflower” với giống hướng dương dại. Giống hướng dương lai tạp này đã cho hạt nhiều hơn 50% giống thương phẩm lại không bị thuốc diệt cỏ Round Up khống chế.
Công nghệ chuyển gen sẽ tạo giống cây cho năng suất và chất lượng cao hơn. |
Nghiên cứu trên giống RR canola (cải dầu) cũng có kết quả tương tự. Như vậy, giống cỏ lai tạp đã trở thành “siêu cỏ dại – super weed” vì nó chống luôn cả Round Up.
3. Giống và bản quyền về giống: Giống biến đổi gen không có giống thuần (OP) và F1 hybrid như thông thường mà là giống chuyển gen do công ty giống thực hiện và quản lý. Ví dụ Công ty Monsanto của Hoa Kỳ – một đại gia về giống chuyển gen – có một quy trình khắt khe trong việc bán và quản lý giống của họ bởi vì chi phí để sản xuất một giống biến đổi gen rất tốn kém, lên đến hàng triệu đôla (giống cà chua GM Flavr Savr tốn đến 2,5 triệu USD).
Ai muốn trồng giống biến đổi gen thì phải mua và ký hợp đồng với công ty sản xuất. Giống giống biến đổi gen không ăn cắp được vì họ đăng ký bản quyền trên gen, không trên giống, cho nên chỉ cần có bản đồ ADN là kiện được người ăn cắp ngay.
Vụ Monsanto Canada kiện nông dân Schmeiser năm 2004 ở Toà Thượng thẩm Canada là một dẫn chứng nói lên sự cứng rắn của Công ty Monsanto trong việc bảo vệ quyền lợi của họ. Như vậy một khi trồng cây biến đổi gen thì nông dân bị ràng buộc với công ty sản xuất giống, không phải lơ mơ như ta thường làm, chạy ra cửa hàng đại diện mua dăm ba gói hạt giống là xong.
Monsanto và DuPont là 2 công ty của Hoa Kỳ, kiểm soát đến 38% thị trường giống thế giới cho nên nếu Việt Nam trồng các loại cây biến đổi gen thông dụng như đậu nành, ngô, bông biến đổi gen thì xác suất bị ràng buộc với công ty giống của Hoa Kỳ rất cao, y như ta đang bị ràng buộc với giống lúa lai Trung Quốc, mỗi năm phải nhập đến 9.000 tấn lúa giống.
4. Cách ly hay không cách ly – truy nguyên nguồn gốc: Ở Hoa Kỳ và Canada, Chính phủ không yêu cầu dán nhãn trên sản phẩm nên nông dân muốn trồng cây biến đổi gen hay không thì chỉ tùy người mua. Bán được là trồng. Nhưng ở các nước khác như toàn bộ Âu châu, Nhật, Úc, Tân Tây Lan và ngay cả ở Malaysia, đều có luật buộc phải dán nhãn để khách hàng biết sản phẩm có sự hiện diện của cây biến đổi gen hay không. Chính vì vậy nên ở Úc, Chính phủ buộc phải khoanh vùng “có trồng cây biến đổi gen” (cây GM) để tránh trường hợp lai tạp.
Mục đích chính trong việc khoanh vùng là muốn phân biệt rạch ròi sản phẩm GM, không để thị trường dựa vào việc lẫn lộn (không cách ly) để tẩy chay sản phẩm không GM của Úc.
5. Tác dụng của gen biến đổi: Mỗi một đặc tính của cây thường bị một hoặc nhiều gen khống chế. Ví dụ như ở cà chua, bệnh Fusarium thì có gen I, bệnh Verticilium thì có gen Ve, tuyến trùng Meliodogyne spp. thì có gen Mi v.v… khống chế. Cho nên ở cây biến đổi gen, hễ cấy gen nào thì cây khống chế được đặc tính đấy.
Ở Hoa Kỳ, sâu đục thân (Ostrinia nubilalis (Hübner) là loại sâu hại trên ngô, bông và các loại rau. Hằng năm chi phí để trừ loại sâu này lên đến hàng tỷ đôla. Chính vì vậy nên khi chuyển gen Bt (Bacillus thuringiensis) vào giống ngô Bt, bông Bt thì cây có có thể tự trừ được sâu ấy ngay, mà không cần phun thuốc BVTV Có điều loại sâu đục thân này lại có nhiều dòng cho nên phải chuyển thêm gen 1, gen 2 v.v… người ta nói bông một gen, hai gen là vì vậy.
Một viện nghiên cứu ở Á châu cho biết thử nghiệm giống Bt bông vải của Hoa Kỳ vẫn bị sâu đục thân tấn công. Nếu không phun xịt, năng suất cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng. Đối với giống đậu nành chống thuốc diệt cỏ Round Up thì trong thực tế việc phun thuốc diệt cỏ Round Up nhiều hơn 5-10 lần so với bình thường (Bendrook, 1999).
(Còn tiếp)
TS.Nguyễn Quốc Vọng (Đại học Nông nghiệp Hà Nội; Đại học RMIT, Melbourne Vic 3083, Australia)
Theo Vietnamnet