Chờ đợi mòn mỏi suốt 28 năm, rốt cuộc các nhà khoa học ở trường ĐH Bangor, phía bắc xứ Wales cũng được tận mắt chứng kiến điều kỳ thú: cây “hoa thế kỷ” họ trồng từ năm 1979 bắt đầu nở hoa lần đầu tiên, và cũng là lần duy nhất trong đời.
Nigel Brown nhớ lại cái ngày gieo hạt cách đây 28 năm, khi đó ông vẫn còn là chàng sinh viên trẻ măng, tò mò trồng giống cây agave americana quý hiếm của Mexico trong một chậu đất nhỏ vốn đựng cây xương rồng. Để rồi giờ đây, nó đã chọc thủng cả mái nhà kính với chiều cao 6,2 mét trong khi cuống hoa vĩ đại dài ngấp nghé 1,6 mét.
“Hồi đó mục đích tôi chỉ định thử xem giống hoa Mexico có sống sót nổi qua thời tiết khắc nghiệt ở nước Anh hay không. Tuy nhiên sau này, sức sống mãnh liệt của nó làm chúng tôi chẳng những lười chăm sóc mà còn gần như lãng quên” – ông Brown, hiện đang công tác tại Vườn sinh học Treborth của trường kể lại.
“Chúng tôi cũng mong ngóng ngày cái cây nở hoa lắm, nhưng cả chục năm qua nó chẳng mảy may “động tĩnh” gì cả, thế là mọi người nhụt ý chí dần…”
Trở lại trường sau mùa hè ảm đạm, ông Brown thật sự ngỡ ngàng khi nhìn thấy cuống hoa dài 1,6 mét không biết đã xuất hiện từ lúc nào. Trông nó to khỏe và cường tráng đến nỗi như thể sắp hất tung mái kính để vươn ra. Vậy là người ta phải nhanh chóng gỡ một ô cửa kính để cho nó “lối thoát”.
Những chùm hoa đầu tiên và duy nhất. (Ảnh: BBC) |
“Hiện tại các nhánh cây hai bên đã ken đặc những chùm hoa rập rạp màu vàng chanh, kéo hàng đàn ong bướm đến xôn xao bay lượn”.
Vốn có tên khoa học là “agave americana” nhưng loài hoa quý có xuất cứ từ Mexico vẫn được gọi theo cách dân dã là “hoa thế kỷ” bởi quan niệm 100 năm mới trổ bông một lần. (Nói đúng hơn là chỉ trổ bông một lần và duy nhất). Được biết, nhựa trích từ thân cây này được người dân bản xứ dùng để lên men cho món rượu tequila nổi tiếng. Ngoài ra, cánh hoa còn có thể chế biến thành món bánh cán mỏng nhồi thịt – một kiểu bánh đặc trưng ở châu Mỹ.
Lá của nó có thể xanh tươi cho đến 15 năm nếu vẫn còn ở trên cây. Đây là nguồn cung cấp sợi quan trọng cho những bộ tộc sống ở các vùng hoang mạc Mexico.
Thùy Vân
Theo BBC, Dân trí