Các nhà khoa học Israel đã phát hiện cây Rhubarb sa mạc (Rumex hymenosepalus), loại cây đầu tiên trên thế giới tự tưới nước cho nó, tại sa mạc Negev – một trong những vùng khô hạn nhất thế giới.
Cây Rhubarb sa mạc có thể giữ nước gấp 16 lần so với các cây khác và phát triển khả năng tự tưới nước độc đáo trong vùng khô hạn. Nhóm nghiên cứu thuộc khoa sinh học và giáo dục khoa học tại Đại học Haifa-Oranim mô tả đường kính lá cây rộng đến 1m, so với các loại cây có lá rất nhỏ ở sa mạc. Họ nhận thấy chính lá rộng của cây là bí quyết của nó, bởi vì lá chứa rất nhiều các ống li ti để chứa nước.
Theo nhóm nghiên cứu, các khe rãnh trên lá hoạt động như một hệ thống thủy lợi nhỏ xíu, làm nước chảy từ từ và trực tiếp vào cây, trong khi vẫn giữ nước không bốc hơi. Kết quả nghiên cứu cho thấy cây Rhubarb sa mạc có thể thu giữ một lượng nước lớn không thua gì các cây vùng Địa Trung Hải, với mức 426mm một năm.
Sa mạc Negev chiếm hơn 50% diện tích đất của miền nam Israel, gần giáp giới với Ai Cập và bán đảo Sinai.
Cây Rhubarb sa mạc với lá khổng lồ chứa nhiều nước |
Theo N.T.ĐA – Tuổi trẻ (Bio-Medicine)