Những con cầy vằn non không tự học cách xơi những con mồi nguy hiểm như bọ cạp, mà chúng được người lớn dạy cho.
Cầy vằn đạt đến tuổi tự lập khi được 3 tháng tuổi. (Ảnh: BBC) |
Các nhà nghiên cứu tìm thấy cầy vằn lớn mang những xác mồi về cho con non của mình. Khi con non lớn hơn, con lớn sẽ giúp lũ trẻ vô hiệu hoá con mồi. Và cuối cùng, chúng hướng dẫn những con non tự đi săn mồi cho mình.
Các nhà nghiên cứu cho rằng cầy vằn là loài thứ hai không phải người có cách dạy con linh hoạt như vậy. Loài khác được biết tới có hành vi dạy dỗ là kiến, khi giúp đồng loại tìm nơi có thức ăn.
Nhóm tại Đại học Cambridge, Anh đã dành vài năm nghiên cứu những con cầy vằn hoang dã ở Nam Phi. Chúng sống trong các nhóm gồm 40 con trong điều kiện khí hậu rất khô cằn.
Hầu hết các con vật đều trong nhóm đều có họ với cặp thủ lĩnh. Những “ông thầy” sẽ từ từ cho lớp trẻ tiếp cận với con mồi sống.
“Vì thế khi các con non còn nhỏ, các thầy mang mồi chết tới, chẳng hạn như bọ cạp, thằn lằn và nhện; khi chúng lớn hơn, thầy sẽ mang con mồi đã bị tàn tật, chẳng hạn nếu đó là con bọ cạp thì ông thầy sẽ cắn bỏ nọc độc trước khi mang tới cho học sinh của mình”, nhà khoa học đứng đầu Alex Thornton nói.
“Cuối cùng khi những con non đến tuổi tự lập, con trưởng thành sẽ mang tới thức ăn sống buộc chúng phải tự xử lý”.
Việc dạy dỗ có thể mang lợi ích tiến hoá bởi nó truyền tải kỹ năng và thông tin giúp lớp trẻ sống sót, nhưng nó cũng gây tổn thất cho những con trưởng thành. Các ông thầy phải mất thời gian và công sức để tìm kiếm thức ăn cho riêng mình. Vì vậy các nhà khoa học nhận định, việc dạy dỗ chỉ ra đời khi những con non khó tiếp thu thông tin bằng cách theo dõi.
M.T
Theo Vnexpress