Đầu tiên, hãy hiểu chánh niệm là gì?
Chánh niệm (Mindfulness) nghĩa đen chỉ giản dị là “để hết tâm trí vào” một chuyện gì đó, đơn giản hơn là tập trung. Theo quan điểm Phật giáo,“chánh niệm là khi nói biết mình đang nói gì, khi nghĩ biết mình đang nghĩ gì, khi làm biết mình đang làm gì“. Chánh niệm có mối liên hệ tới sự kiên nhẫn và chịu đựng.
Dành quá nhiều thời giờ để lập kế hoạch, giải quyết vấn đề, mơ mộng, suy nghĩ tiêu cực hoặc mông lung có thể làm chúng ta thấy mệt mỏi, cạn kiệt năng lượng. Thực tập “chánh niệm”, có thể giúp các bạn không để tâm vào những ồn ào xung quanh và tập trung cho mục tiêu của mình.
Chánh niệm càng ngày càng được phổ biến sâu rộng hơn tại các xứ Âu Mỹ và có hơn 200 chương trình dạy chánh niệm để giảm căng thẳng tại các trung tâm y khoa hoặc ở các trường đại học. Chánh niệm cũng được dạy cho các cầu thủ và lực sĩ để họ được kết quả khả quan hơn.
Đã có hàng trăm các bài khảo cứu khoa học cho thấy những lợi ích mà “chánh niệm” đem đến cho các bệnh tâm thần hoặc thể xác như chứng đau kinh niên, căng thẳng (stress), trầm cảm (depression), lo sợ (anxiety), bệnh da vẩy nến (psoriasis) và cả cho bệnh ung thư…
Thực hành chánh niệm
Dưới đây là một vài bài tập chánh niệm đơn giản, bạn hoàn toàn có thể thực hiện mọi lúc, mọi nơi:
+ Lúc ngồi
Tìm một chỗ ngồi tương đối yên tĩnh, sau đó ngồi xếp bằng hoặc ngồi trên ghế, lưng thẳng nhưng không cứng nhắc. Mắt nhắm hờ, hãy bắt đầu “chánh niệm” bằng cách để ý đến tư thế của bạn, cảm nhận xem bờ lưng đang thẳng đứng, áp suất ở mông ra sao (mềm hay cứng), ấm hay lạnh.
Sau đó chú ý đến cảm giác của hơi thở tại vành mũi (ra/vào) hay bụng (phồng/xẹp) chỉ cần quan tâm đến sự chuyển động, căng/xẹp, rung động hay nóng /lạnh từ các bộ phận trên cơ thể bạn thôi! Nhớ thở một cách bình thường, từ tốn, hít đều, thở sâu, đừng suy nghĩ mông lung đến bất kỳ điều gì khác ngoài cơ thể bạn.
Giả sử, trong khi ngồi, thi thoảng bạn sẽ thấy ngứa, hoặc bỗng nhiên có
một cơn đau nào kéo đến. Đừng khó chịu! Hãy “lắng nghe” và “quan sát”
cảm xúc này và làm quen với nó. (Ảnh: Wikihow)
+ Chánh niệm với hoa
Hãy ngắm thật kỹ bông hoa, sau đó trả lời xem nó có hình dạng, màu sắc như thế nào? Mùi hương của nó ra sao? Thậm chí, hãy cảm nhận về mặt đất dưới chân và gió đang thổi xung quanh bạn khi đang đắm chìm trong hương sắc của bông hoa ấy.
(Ảnh: Wikihow)
+ Lúc ăn
Rất đơn giản, chỉ cần ngửi và cảm nhận mùi thơm của các món ăn. Nhìn làn hơi đang bốc lên nghi ngút từ món ăn nóng sốt, hít hà vị thơm của món ăn. Cảm nhận hương vị món ăn khi đưa chúng vào miệng.
+ Lúc tắm
Hãy cảm nhận nhiệt độ của nước, nghe âm thanh của nước khi nó chạm xuống sàn. Hãy để hơi nước xộc vào mũi bạn, phả lên mặt bạn, từng giọt nước vuốt ve lên da thịt của bạn.
+ Với đồ vật
Tìm một số đồ vật quen thuộc trong nhà hoặc văn phòng của mình – chẳng hạn như bàn chải đánh răng, trái táo hoặc điện thoại di động, album ảnh, tập giấy. Nhìn vào các đồ vật này và tìm ra một chi tiết mới về mỗi đồ vật mà trước kia ta không nhìn thấy. Khi ý thức hơn về thế giới chung quanh, ta sẽ thấy yêu thích và quyến luyến những thứ này hơn.
(Ảnh: Wikihow)
Lưu ý: Khi thực tập chuỗi bài tập chánh niệm này, đừng nghĩ điều gì khác ngoài những vật mà bạn đang muốn chánh niệm.
Bạn có thể thực tập bất cứ lúc nào trong ngày với tất cả các đối tượng mà bạn muốn. Có thể đặt mục tiêu là thực hành trong vòng 15 đến 20 phút, 4-8 lần mỗi ngày để chánh niệm phát huy tác dụng tốt nhất cho đời sống tinh thần của bạn.
Bài tập này là một trong những “phương thuốc” chữa “bệnh tinh thần” hiệu quả trong thời hiện đại.
(Tổng hợp từ: Wikihow; Sina; Sohu)
Mời các bạn tiếp tục theo dõi chuỗi bài “An thần không cần thuốc” với chuỗi thực hành về:
1. Yoga 2. Thiền định 3. Phát huy trí tưởng tượng Chuỗi bài này sẽ có trên mục Sống khỏe của ChaMeCuaCon.com trong tuần này. |
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.