Chất thải độc hại ở Bắc Cực đang là một mối đe dọa lớn đối với loài gấu trắng bắc cực, chúng có thể dẫn đến tình trạng “lưỡng tính” ở gấu bắc cực và gây tổn thương não, theo một nghiên cứu mới đây chỉ ra.
“Lưỡng tính” ở đây không giống như đồng tính ở con người, đây là hội chứng động vật xuất hiện cả hai loại bộ sinh dục của con đực và con cái.
Trường hợp “lưỡng tính” ở gấu bắc cực ngày càng tăng có thể là do kết quả của sự rối loạn nội tiết bởi chất thải độc hại.
Phân tích những tác động của loại chất thải hữu cơ khó phân hủy (POPs) trên các động vật ở Bắc Cực, một số nhà nghiên cứu tại Đại học Milano Bicocca ở Ý đã tìm ra rằng loài gấu bắc cực phải đối mặt với những nguy cơ lớn về sức khỏe hơn cả loài hải cẩu, và những chú gấu con là đối tượng gặp phải nguy cơ lớn nhất.
Được sử dụng rộng rãi trong công nghiệp sau Thế Chiến II, POPs là loại chất độc hóa học có ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người, động vật và môi trường. Nó có thể được trung chuyển nhờ gió và nước, tích tụ lại trong môi trường và động vật thông qua chuỗi thức ăn.
Các nhà nghiên cứu ở Na Uy đã quan sát vào năm 1996 hai trường hợp “lưỡng tính” ở gấu bắc cực. Những con vật này có cả lỗ âm đạo bình thường và một xương dương vật bên trong nó. Tuy nhiên, cả hai con gấu đều không có nhiễm sắc thể Y, thứ dùng để xác định chúng là con đực.
Các nhà khoa học cho rằng, những trường hợp “lưỡng tính” ở gấu bắc cực ngày càng tăng có thể là do kết quả của sự rối loạn nội tiết gây ra bởi các loại chất thải độc hại.
Theo Trí Thức Trẻ