Ô nhiễm không khí ở châu Á, vấn nạn vốn đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 800.000 người mỗi năm, nhiều khả năng sẽ gây ra tỉ lệ tử vong cao hơn khi chất lượng không khí trong khu vực đang ngày càng giảm sút nghiêm trọng, một tổ chức môi trường khuyến cáo.
Theo cơ quan giám sát chất lượng không khí Clean Air Asia, việc tiêu dùng năng lượng và tăng khí thải từ phương tiện giao thông vào giai đoạn tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của châu Á là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng trong khu vực.
“Những gì khiến chúng tôi lo lắng là nồng độ tập trung các hạt bụi PM10 trong không khí đang tăng trở lại. 7 trong số 10 thành phố ở khu vực châu Á đang phát triển hiện hít thở không khí có hại cho sức khỏe người dân của họ”, Sophie Punte – giám đốc điều hành tổ chức Clean Air Asia – phát biểu tại một hội nghị môi về vấn đề ô nhiễm môi trường tại Hong Kong.
Tình hình ô nhiễm không khí ở châu Á ngày càng nghiêm trọng.
PM10 là loại hạt vật chất kích cỡ rất nhỏ (khoảng 10 phần triệu của 1 mét), bay lơ lửng trong không khí, có thể xuyên qua các loại khẩu trang thường để lọt vào và nằm lại trong phổi, gây bệnh cho hệ thống hô hấp.
Tổ chức Clean Air Asia nhận định, tình trạng ô nhiễm không khí sẽ tăng lên khi số phương tiện giao thông ở châu Á dự kiến vượt qua con số 1 tỷ vào năm 2035. Việc tiêu thụ năng lượng và khí thải carbon dioxide kéo theo đó của châu lục này cũng sẽ tăng 400% so với mức đã được ghi nhận năm 2005.
Một nghiên cứu năm 2008 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) từng phát hiện, 800.000 trong tổng số 1,3 triệu ca chết trẻ mỗi năm ở châu Á là do ô nhiễm môi trường. Các chuyên gia khuyến cáo, con số này có thể tăng lên nếu không có hành động cấp thiết nào được thực hiện.
O’Keefe, chủ tịch Ủy ban quản trị Clean Air Asia, nói thêm rằng, số trường hợp tử vong vì ô nhiễm không khí có thể tăng lên gấp đôi vào năm 2050.
Trong vài năm trở lại đây, các quốc gia châu Á như Trung Quốc – nước đang hứng chịu tình trạng ô nhiễm công nghiệp nghiêm trọng, giao thông quá tải và có các biện pháp bảo vệ vẫn còn lỏng lẻo – đã phải đối mặt với áp lực phải siết chặt các tiêu chuẩn chất lượng không khí.
Theo Vietnamnet