Khí hậu Trái Đất nóng dần lên có thể gây thiếu nước và lương thực trầm trọng đối với 130 triệu người ở châu Á từ nay đến năm 2050 nếu cộng đồng quốc tế không thực thi khẩn cấp những biện pháp phòng chống trong vấn đề này.
Theo Nhóm chuyên viên liên chính phủ về sự tiến triển của khí hậu, châu Á sẽ bị tác động nặng nề từ tình trạng thay đổi khí hậu trong vài chục năm tới.
Ông Achim Steiner, tổng giám đốc Chương trình Môi trường LHQ, một sự thay đổi khí hậu không kiểm soát sẽ là một tai họa khôn lường cho môi trường và nền kinh tế, nhưng đặc biệt là một bi kịch cho con người.
Theo báo cáo của nhóm chuyên viên, sẽ có thêm 130 triệu người ở châu Á có nguy cơ chết đói vì những thay đổi khí hậu từ nay đến năm 2050. Trong đó, người dân ven bờ Ấn Độ Dương, Ausralia và New Zealand sẽ phải trải qua những trận hạn hán và ngập lũ khốc liệt từ nay đến năm 2030. Các nhà khoa học khẳng định khi nhiệt độ Trái đất tăng thêm 2oC, sản lượng lúa gạo tại Trung Quốc có thể giảm từ 5% đến 12%, tỉ lệ này tại Bangladesh sẽ là 10% và sản lượng lúa mì tại đây có thể sụt giảm đến 30% từ nay đến năm 2050.
Khí hậu nóng dần còn khiến tình trạng thiếu nước vốn đã nghiêm trọng tại Ấn Độ sẽ còn dữ dội hơn. Bên cạnh đó, gần 100 triệu người tại châu Á sẽ phải thường xuyên đối mặt với nguy cơ ngập lụt do mực nước biển dâng cao.
Nhà khoa học Kevin Hennessy cho biết người Australia và New Zealand sẽ trở nên quen thuộc những hiện tượng khí hậu cực kỳ khắc nghiệt, trong đó gần như chắc chắn những đợt không khí nóng dẫn đến lũ lụt, lở đất, khô hạn và bão tố sẽ gia tăng tầng suất xuất hiện với cường độ mạnh. Tình trạng thời tiết này sẽ khiến sản lượng nông nghiệp ở miền nam và đông Australia, miền đông New Zealand sụt giảm mạnh cùng với sự bành trước các căn bệnh nhiệt đới như sốt xuất huyết Dengue…
Nhóm chuyên viên nhấn mạnh chỉ có những nỗ lực của cộng đồng thế giới trong việc giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính mới có thể làm chậm tiến trình nóng dần của khí hậu Trái đất. Theo các nhà khoa học, chính quyền các nước cần thực hiện nhiều biện pháp dự phòng như giới hạn xây dựng dọc các bờ biển bị hiện tượng thay đổi khí hậu đe dọa, thiết lập những hành lang cho phép các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng di trú, đồng thời cải thiện việc tích trữ, giữ gìn nguồn nước.
L.XUÂN
Theo AP, Tuổi trẻ