Quỹ Quốc tế bảo vệ Thiên nhiên (The World Wide Fund for Nature – WWF) vừa công bố danh sách 30 nhà máy điện ở châu Âu gây ô nhiễm nhiều nhất. Đây là những nhà máy có hiệu suất kém nhất Châu Âu nhưng lại thải khí CO2 nhiều nhất.
Danh hiệu nhà máy điện ô nhiễm nhiều nhất thuộc về Agios Dimitrios và Kardia của Hy Lạp ( thuộc DEH), tiếp sau là Niederaußem của Đức (thuộc tập đoàn RWE).
Kết quả của bảng xếp hạng WWF được ra sau những phân tích tư liệu năm 2006 bao gồm thông tin từ Cơ quan đăng ký khí thải Châu Âu thuộc Uỷ ban Châu Âu. Tổ chức bảo tồn toàn cầu dựa vào số lượng khí thải từ các nhà máy điện của các nước Châu Âu ( tính theo đơn vị triệu tấn/năm) và xếp hạng 30 nhà máy thải ra khí CO2 nhiều nhất theo mức độ hiệu suất (grams CO2/ kw giờ). |
Hầu hết các nhà máy nằm trong danh sách “30 nhà máy bẩn nhất, hay nói gọn theo tiếng Anh là “Dirty Thirty” đều ở Đức và Anh (10 nhà máy mỗi nước), tiếp theo sau là Ba Lan (4 nhà máy). Chỉ có bốn công ty quản lý hầu hết những nhà máy điện ô nhiễm nhất Châu Âu này. Hơn một nửa trong sô 30 nhà máy này thuộc về RWE (Đức), Vattenfall (Thuỵ Điển), EDF (Pháp) và EON (Đức). RWE và Vattenfall cũng là những doanh nghiêp gây ô nhiễm khí hậu lớn nhất Châu Âu.
Trong năm 2006, những nhà máy điện nằm trong danh sách “Dirty Thirty” bị quy trách nhiệm về 393 triệu tấn khí thải CO2 tương đương với 10% lượng khí thải CO2 của toàn Châu Âu.
Các nhà máy điện ô nhiễm nhất Châu Âu đều sử dụng than để sản xuất điện, với 10 nhà máy chủ yếu hoạt động thải khí CO2 bằng than non. Khi mà khí thải CO2 được coi là nguyên nhân chính cho việc trái đất ấm dần và làm thay đổi các tác động của khí hậu thì việc phải đưa ra một “Kế hoạch kinh doanh khí thải của Liên minh Châu Âu” một cách cụ thể và kiên quyết hơn nhằm giảm đáng kể lượng khí thải bằng việc khuyến khích đầu tư nhiều nhà máy sạch và hiệu quả.
“Chúng ta không thể tha thứ cho các doanh nghiệp sản xuất điện khi mà họ kiếm tiền bằng việc gây ô nhiễm” – ông Stephan Singer, Giám đốc bộ phận Khí hậu và Năng lượng Châu Âu nhấn mạnh.
Theo ông Stephan Singer, Liên minh Châu Âu cần phải bảo đảm rằng chỉ có những công ty có thể làm sạch được các nhà máy điện mới có thể kinh doanh kiếm tiền trong lĩnh vực này. Các doanh nghiệp kinh doanh và sản xuất điện cần phải loại bỏ việc sử dụng than bẩn càng nhanh càng tốt.
Theo đó, việc này cần phải được thực hiện thông qua sự chấp thuận của Hệ thống kinh doanh khí thải Liên minh Châu Âu để giúp Châu Âu đạt được mục tiêu giảm 30% khí thải vào năm 2020.
Nhà máy điện Niederaußem của Đức
(Ảnh: carbon-power.de, VNN)
Kiều Minh
Theo Vietnamnet