Châu Âu phóng hai kính viễn vọng lên quỹ đạo

Sự hình thành tinh thể trong sao chổi

Tên lửa Arian 5 đã đưa hai kính thiên văn Herschel và Planck lên không gian hôm 14/5 từ bệ phóng của Cơ quan vũ trụ châu Âu tại Guiana, Nam Mỹ, nhằm giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về sự hình thành vũ trụ. 

Tên lửa Arian 5 rời khỏi bệ phóng trên đảo Guiana của Pháp tại Nam Mỹ. Ảnh: Reuters.

Cơ quan Vũ trụ châu Âu gọi hai kính viễn vọng không gian là “hai trong số những tàu vũ trụ phức tạp nhất mà con người từng chế tạo”. Tổng kinh phí cho việc chế tạo hai kính là 1,9 tỷ euro. Chúng sẽ thực hiện một cuộc hành trình 60 ngày tới hai vị trí trên quỹ đạo xung quanh mặt trời, cách trái đất khoảng 1,5 triệu km. Tại đây hai kính sẽ duy trì được vị trí ổn định vì lực hấp dẫn tác động lên chúng hầu như bằng không.

Kính viễn vọng không gian Herschel sẽ tìm hiểu quá trình hình thành, phát triển của các thiên hà và ngôi sao. Herschel có gương thu ánh sáng lớn nhất trong số các kính thiên văn đang bay trên quỹ đạo địa cầu. Chiếc gương của nó có đường kính 3,5 m – gấp 1,5 lần so với kính viễn vọng Hubble.

Trong khi đó, kính viễn vọng không gian Planck được thiết kế để tìm hiểu sự ra đời của vũ trụ và nguyên nhân khiến nó có hình dạng như ngày nay. Cả hai kính viễn vọng sẽ được làm lạnh tới độ không tuyệt đối trong quá trình hoạt động.

Sự kiện phóng hai kính viễn vọng không gian trên diễn ra trong bối cảnh tàu con thoi Atlantis của Mỹ đang tiến hành sửa chữa và nâng cấp kính viễn vọng Hubble.

 

Theo VnExpress (Reuters)