Dòng hải lưu nóng chảy từ vịnh Mexico qua Đại Tây Dương đến Châu Âu đang suy yếu dần, dẫn đến tình trạng không cung ứng đủ sức nóng cho phía bắc. Sự thay đổi này sẽ làm khí hậu ở Châu Âu trở nên lạnh giá hơn chỉ trong vài thập kỷ tới.
Đây là điều mà các nhà khoa học thuộc Trung tâm Hải dương học quốc gia Vương quốc Anh (NOC) quan sát được và vừa đưa ra dự đoán.
Sau khi được sinh ra ở vùng biển Caribean, dòng hải lưu nóng chảy từ vịnh Mexico qua Đại Tây Dương đến Châu Âu tách ra làm hai, một chảy về phía đông bắc đến Châu Âu, một lưu thông trở lại vùng biển Đại Tây Dương (xem hình vẽ).
Trong quá trình lưu thông, nhánh hải lưu chảy về phía đông bắc sẽ thải vào không khí một lượng khí nóng đáng kể, đem lại khí hậu ấm áp cho vùng đất liền Châu Âu.
“Nhiệt lượng mà dòng hải lưu này thải vào môi trường tương đương với số nhiệt lượng mà một triệu trung tâm điện năng tiết ra” – Nhà khoa học Harry Bryden thuộc NOC cho biết.
Khi lưu thông đến các vĩ độ phía bắc ở vùng Greenland và Iceland, nước của dòng hải lưu này trở nên giá lạnh, khiến nó chảy chìm xuống đáy đại dương. Quá trình biến đổi này được gọi là “sự đảo lộn“.
Sau đó, dòng nước lạnh sẽ chảy đến phía nam. Giống như hoạt động của một băng chuyền khép kín, những dòng nước nóng sẽ lưu thông trên bề mặt đại dương theo hướng bắc còn những dòng nước lạnh sẽ lưu thông ngược trở lại ở độ sâu hàng trăm hay nghìn mét dưới đáy đại dương.
Theo nghiên cứu của NOC, trong vòng nửa thế kỷ gần đây, hoạt động của những dòng nước lạnh này đã thay đổi một cách đáng kể. Bryden cho biết: “Chúng tôi phát hiện được dòng nước lạnh chảy về phía nam ít hơn 30% so với trước. Trong năm 2004 số dòng chảy về biển Đại Tây Dương nhiều hơn và ít dòng đảo lộn lại hơn. Chính vì thế, nhiệt lượng cung cấp cho Châu Âu trở nên ít hơn“.
Các trung tâm máy tính khảo sát khí hậu thường xuyên dự đoán rằng dòng hải lưu ở vùng biển Bắc Đại Tây Dương có thể sẽ suy yếu mạnh hay thậm chí biến mất hoàn toàn. Điều này xảy ra khi các khối băng Bắc cực tan ra và những dòng sông Bắc Cực chảy nhanh hơn khiến cho độ mặn tại các biển ở phía bắc giảm mạnh. Độ mặn giảm có nghĩa tỷ trọng nước sẽ thấp đi, lúc đó các dòng hải lưu sẽ không thể chảy chìm khiến cho hoạt động của chúng bị suy yếu.
Theo dự đoán của các trung tâm khí hậu, nếu các dòng hải lưu này mất đi hoàn toàn, Châu Âu sẽ lạnh hơn từ 4 đến 6 độ C.
Bryden cho biết: “Nếu điều này xảy ra chúng ta sẽ thấy được sự thay đổi nhiệt độ tại các vĩ độ phía bắc. Nhiệt lượng trước đây cung cấp cho Châu Âu sẽ quay ngược trở lại các vùng nhiệt đới Đại Tây Dương, gây tác động mạnh đến hệ thống khí hậu ở các khu vực Châu Phi, Địa Trung Hải và Trung Mỹ“.
Theo Lao Động