Một phi thuyền có cơ chế hoạt động giống như tủ lạnh do Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) chế tạo sẽ bay lên vũ trụ để tìm hiểu sao Thủy.
BepiColumbo, tên của phi thuyền to bằng xe bán tải do ESA thuê tập đoàn công nghệ vũ trụ EADS Astrium tại Anh chế tạo với kinh phí 800 triệu USD, sẽ vượt qua khoảng cách gần 77 triệu km để tới sao Thủy, hành tinh nhỏ nhất và gần mặt trời nhất trong Thái Dương Hệ.
Hình minh họa phi thuyền BepiColumbo bay quanh sao Thủy. (Ảnh: ESA)
Sau khi tới sao Thủy, phi thuyền sẽ bay quanh hành tinh này. Do sao Thủy là một trong những hành tinh nóng nhất thuộc hệ Mặt Trời, phi thuyền sẽ phải chống chịu nhiệt độ lên tới 426 độ C từ bề mặt hành tinh. Vì thế, thách thức lớn nhất là bảo vệ những thiết bị tối tân trong tàu, bởi chúng chỉ có thể hoạt động bình thường ở mức 30 độ C.
Các kỹ sư của tập đoàn EADS Astrium phải lắp đặt lớp cách nhiệt đặc biệt và một tấm tản nhiệt lớn để giúp tàu chống chịu với nhiệt độ từ sao Thủy. Giới truyền thông sẽ có cơ hội chứng kiến tàu BepiColumbo vào cuối tuần này trước khi người ta đưa nó sang Italy để lắp đặt các thiết bị. ESA sẽ phóng nó trong khoảng hơn một năm nữa, Telegraph đưa tin.
Giới khoa học hy vọng “tủ lạnh bay” của ESA sẽ giúp họ giải mã nhiều bí ẩn về sao Thủy, như sự tồn tại của những chiếc hố có đáy phẳng trên bề mặt của nó.
“Sao Thủy là một hành tinh đá trong hệ Mặt Trời, nhưng nó có bề mặt rất kỳ lạ. Dường như một số vùng trên bề mặt sao Thủy đang biến mất, để lại những hố có độ sâu tới 10-20m và đáy phẳng. Chúng tôi không hiểu nguyên nhân tạo nên những hố ấy, bởi gió, không khí và quá trình xói mòn không hề tồn tại trên sao Thủy”, David Rothery, một nhà thiên văn của ESA, phát biểu.
Theo VNE, Telegraph