Nhiều năm qua, các chuyên gia khí hậu cho rằng những đám cháy rừng sẽ làm cho hiệu ứng nhà kính trở nên tồi tệ hơn, bởi chúng làm tăng lượng carbon dioxide trong khí quyển. Nhưng một nghiên cứu gần đây đã chứng minh điều ngược lại.
Hàng trăm đám cháy rừng lớn đã xuất hiện ở Canada, Nga, Na Uy, Thụy Điển, bang Alaska của Mỹ và nhiều nước nằm ở cực Bắc trong suốt 10 năm qua. Các nhà khoa học từng cảnh báo rằng sự ấm lên của trái đất, những mùa hè dài hơn và tình trạng khô hanh của khí quyển sẽ làm cho các đám cháy xảy ra thường xuyên hơn.
Tuyết bao phủ mặt đất tại khu rừng ở Donnelly Flats, Alaska, sau vụ cháy năm 1999. (Ảnh: Newscientist) |
Khi các ngọn lửa đốt cháy cây cối trong rừng, một lượng carbon dioxide được giải phóng vào bầu khí quyển. Chính vì thế, các nhà khoa học từng nghĩ rằng những đám cháy rừng có thể là một trong những yếu tố khiến cho quá trình nóng lên của khí hậu diễn ra nhanh hơn.
Tuy nhiên, một nhóm gồm 17 chuyên gia tại Đại học California và Đại học Florida (Mỹ) khẳng định rằng lập luận này không đúng, ít nhất là đối với các nước nằm ở bán cầu bắc.
Một nhóm nghiên cứu thuộc Đại học California (Mỹ) đã tìm hiểu tác động của một vụ cháy từng thiêu rụi 6,7 hecta rừng ở hạt Donnelly Flats, bang Alaska, vào tháng 6 năm 1999. Họ đo các thông số như lượng bức xạ ánh nắng mặt trời, lượng khí thải và mật độ cây cối ở nơi bị cháy và những khu vực xung quanh.
Tất cả dữ liệu được đưa vào máy tính để tạo thành một mô hình phản ánh xu hướng khí hậu trong khoảng thời gian 80 năm trở lại đây. Mô hình cho phép các nhà khoa học xem xét một vụ cháy tác động thế nào tới khí hậu trong ngắn hạn và trung hạn.
Nhóm nghiên cứu nhận thấy, nhiệt độ ở nơi bị cháy và những khu vực xung quanh có tăng lên trong khoảng một năm kể từ khi vụ hỏa hoạn xảy ra. Tuy nhiên, trong 10-15 năm tiếp theo, nhiệt độ lại giảm xuống. Tính ra, trong khoảng thời gian 80 năm kể từ khi xảy ra vụ cháy, nhiệt độ khí hậu giảm xuống rõ rệt.
Tuyết là nhân tố quan trọng
Giải thích về hiện tượng này, các nhà khoa học cho rằng sau khi cây cối bị thiêu rụi bởi ngọn lửa, tại khu vực xảy ra hỏa hoạn chỉ còn lại tuyết. Trong khi những tán cây hấp thu bức xạ từ mặt trời thì tuyết phản chiếu ánh sáng trở lại bầu khí quyển. Chính vì thế nên khi cây cối biến mất, bức xạ từ mặt trời được đưa ra ngoài không gian.
Do tuyết bị bao phủ bởi tro nên trong thời gian đầu bức xạ từ mặt trời bị lớp tro hấp thu một phần. Đó là lý do tại sao nhiệt độ tăng lên trong một năm sau đó. Khi mùa xuân đến, tuyết tan và tro cũng biến mất. Đến mùa xuân cùng năm thì chỉ còn tuyết bao phủ khu vực bị cháy và quá trình giảm nhiệt độ bắt đầu diễn ra.
“Quá trình giảm nhiệt độ bù trừ tác động của những khí gây hiệu ứng nhà kính nên có thể nói, tác động của đám cháy đối với khí hậu gần bằng không nếu tính trên phạm vi toàn cầu“, James Randerson, thuộc Đại học California và là trưởng nhóm nghiên cứu, phát biểu.
Cuối cùng, những đám cỏ, cây bụi và cây lớn cũng mọc trở lại ở vùng bị cháy. Nhưng các chuyên gia tại Đại học Florida (Mỹ) nhận thấy, mọc thay vào chỗ những cây lá kim là dương lá rung, bulô và những cây rụng lá theo mùa.
Do có lá rộng màu xanh nhạt, những cây này phản chiếu bức xạ mặt trời nhiều hơn những cây lá kim nên quá trình giảm nhiệt độ vẫn tiếp tục diễn ra. Khác với những cây lá kim – vốn không bao giờ rụng lá – những cây mới rụng lá vào mùa đông, làm lộ ra lớp tuyết ở bên dưới. Do đó, vào mùa đông, ánh nắng mặt trời được phản chiếu trở lại bầu khí quyển suốt cả năm.
Các nhà nghiên cứu cho rằng tầng lá rậm nhất của rừng chỉ có thể phục hồi hoàn toàn sau nhiều thập kỷ. Ở những nước thuộc cực Bắc, cứ sau 80 tới 150 năm, những đám cháy rừng lại thường tái diễn ở cùng một nơi.
Các chuyên gia về khí hậu dự đoán rằng khoảng thời gian này sẽ ngắn lại khi nhiệt độ trái đất tăng lên do hiệu ứng nhà kính. Điều này đồng nghĩa với việc những cây lá kim sẽ lại bị đốt cháy, khiến cho nhiệt độ khí hậu ở bán cầu bắc tiếp tục giảm.
Tuy nhiên, nghiên cứu không chỉ ra rằng chặt cây là một giải pháp tốt trong việc giải quyết tình trạng ấm dần lên ở bán cầu bắc.
Việt Linh
Theo Newscientist, Vnexpress