Mới đây Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã nghiên cứu thành công công nghệ chế biến muối đen thành muối công nghiệp thượng hạng.
Nghiên cứu này mở ra hy vọng mới cho ngành sản xuất muối Việt Nam.
Từ trước đến nay để có muối sạch, chất lượng cao, nông dân theo nghề muối vẫn dùng cách truyền thống là lót bạt xuống ruộng muối.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, sản phẩm muối có được từ cách sản xuất này chỉ đạt được yêu cầu về màu sắc (độ trắng) chứ chưa hoàn toàn sạch, vì hàm lượng NaCl chỉ đạt 90-92%, các tạp chất tan và không tan còn lẫn trong muối khá cao, nên muối khó sử dụng trong các ngành công nghiệp.
Đề án“Thực trạng về nghề muối và khả năng mở rộng mô hình chế biến muối sau thu hoạch” của tiến sỹ Hoàng Sinh Trường, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã được nghiên cứu nhằm khắc phục hạn chế này.
Công suất của mô hình chế biến từ muối thô thành muối tinh sạch là 10 tấn/ngày và lượng NaCl đạt trên 98%.
Theo các nhà khoa học, việc nhân rộng mô hình hứa hẹn sẽ đủ cung cấp cho ngành công nghiệp trong nước và xuất khẩu, thay thế hoàn toàn lượng muối thượng hạng phải nhập khẩu hàng năm. Hơn nữa, chi phí về thiết bị cho toàn bộ mô hình chỉ vào khoảng 100 triệu đồng.
Trong khi giữa giá muối sạch và muối không sạch chênh lệch nhau rất lớn nên việc khấu hao cho thiết bị cũng chỉ từ một đến hai năm. Đây sẽ là hướng đi mới đầy triển vọng, góp phần nâng cao chất lượng muối, đáp ứng nhu cầu muối sạch cho ngành công nghiệp và cải thiện đời sống của dân làm nghề muối.
Theo Vietnam+