Theo Đông y, chè dây có vị ngọt, đắng, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu viêm, thường được dân gian dùng chữa các bệnh đầy bụng, ợ chua, buồn nôn, đau rát vùng thượng vị, mụn nhọt, nhũ ung, tê thấp… Ngoài ra, chè dây còn được dùng làm thuốc an thần, chữa mất ngủ.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Trung Quốc, chè dây có khả năng chữa một số bệnh như: cốt tủy viêm, viêm hạch cấp tính, viêm tuyến vú cấp tính, nhiễm khuẩn ngoại khoa, viêm họng, viêm amidan cấp tính, viêm mủ tai giữa, viêm khí phế quản cấp tính, viêm thận cấp tính, thấp khớp giai đoạn tiến triển, viêm cơ, viêm răng lợi, mụn nhọt, đinh độc, eczema, nhiễm trùng vết thương.
Trong chè dây có chứa hoạt chất flavonoid, là chất có tác dụng chống oxy hóa mạnh, tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể, tiêu diệt được vi khuẩn HP (Helicobacter pylori – tác nhân chủ yếu gây viêm loét niêm mạc dạ dày-hành tá tràng, và là yếu tố gây ra nguy cơ ung thư dạ dày), trung hòa và làm giảm tiết axit dịch vị, giúp làm lành vết loét, giảm viêm niêm mạc dạ dày, làm giảm và cắt cơn đau dạ dày.
Lá chè dây chứa flavone (4,73%), protein (9,25%), giàu các chất khoáng vi lượng K, Ca, Fe, Zn, các vitamin B1, B2, E. Ngoài ra, trong chè dây còn chứa tannin, đường glucose, rhamnese.
Cách dùng: 20-50g chè dây khô, không dùng nhiều hơn 60- 70g/người/ngày.
Cho chè dây vào bình, ngâm với nước sôi, tráng chè bằng cách lắc nhẹ bình để nước sôi ngấm đều vào chè, sau đó đổ nước này đi. Cho khoảng 300- 500ml nước sôi vào ngâm tiếp, để khoảng 10 phút cho chè ngấm là có thể dùng được.
Dùng uống nóng hoặc uống nguội thay trà bình thường, hằng ngày. Uống liên tục, khoảng 15 – 20 ngày là một liệu trình. Tốt nhất, nên uống khoảng 200ml nước chè dây vào bữa sáng sớm, trước khi ăn từ 30 phút đến một giờ (những người mới uống thường có cảm giác nôn nao khó chịu, cần lưu ý tăng dần độ đậm đặc).
Có thể uống nước chè trước các bữa ăn khoảng 20-30 phút. Loại chè này không có độc tính, nên sử dụng an toàn. Tuy nhiên, không dùng nước chè đã để qua đêm, vì có thể bị nhiễm các vi sinh vật, lên men, gây đầy bụng.
Lưu ý, chè dây là loại thảo dược có tính mát, uống lâu ngày có thể làm tổn thương dương khí, nên những người có tình trạng dương hư (với các triệu chứng: người lạnh, tay chân lạnh, sợ lạnh, lạnh bụng tiêu lỏng, tiểu nhiều, nước tiểu trong…), không nên dùng chè dây.
Ngoài ra, có thể sử dụng chè dây để giảm đau trong bệnh tê thấp, bằng cách giã nát lá chè dây, hơ nóng, gói vào vải sạch, đắp lên vùng bị đau.
Khi mua cần lưu ý một số đặc điểm của chè dây để tránh bị nhầm lẫn: lá chè khô thường nhàu nát, khi dàn phẳng có hình trái xoan hoặc hình mũi mác, dài 2,5 – 7,5cm, phía cuống tù hay hơi tròn, đầu lá nhọn, mép có ít răng cưa. Mặt trên của lá màu lục xám, có những vết trắng loang lổ trông như mốc, mặt dưới màu nhạt hơn. Cuống lá nhẵn, dài 3 – 12mm. Thể nhẹ, chất giòn, dễ gãy nát, mùi thơm, khi nếm có vị đắng, hơi ngọt nhẹ.
Nhóm nghiên cứu của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia và trường Đại học Dược Hà Nội đã công bố kết quả: có đến 40% các loại trà thảo dược chứa hóa chất bảo vệ thực vật.
Do đó, khi sử dụng bất kỳ loại trà thảo dược nào cần xem kỹ công bố chất lượng, thành phần, giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, nơi sản xuất, hướng dẫn và hạn sử dụng… Không nên mua các loại thảo dược bán trôi nổi trên thị trường.
Lương y Đinh Công Bảy