Chế độ dinh dưỡng “chuẩn” sau sinh dành cho sản phụ

Bổ sung dinh dưỡng trong thời kỳ hậu sản

Thời kỳ hậu sản trung bình kéo dài từ 4-6 tuần. Đây là giai đoạn cơ thể cần nghỉ ngơi để hồi phục sức khỏe và trở lại trạng thái bình thường trước khi sinh. Thời gian này, em bé ngủ khá nhiều và mẹ không vất vả lắm trong việc chăm sóc con, vì vậy cũng khá nhiều mẹ tận dụng “thời kỳ vàng” này để chuẩn bị cả tâm lý lẫn kiến thức cho việc nuôi nấng thành viên bé nhỏ mới của gia đình này.

Trong thời kỳ đầu sau sinh, cơ thể người mẹ vẫn còn rất yếu. Ngoài những chú ý như tránh làm việc nặng, không quan hệ khi chưa hồi phục hoàn toàn, nên ngủ nhiều thì vấn đề dinh dưỡng cũng được nhiều mẹ quan tâm. Bởi lúc này mẹ cần bổ sung đầy đủ các chất để hồi phục nhanh, vừa có đủ sữa cho con bú.

Ngày đầu của thời kỳ hậu sản

Những thay đổi trên cơ thể mẹ

Dù mẹ sinh thường hay sinh mổ đều không tránh khỏi những thay đổi nhất định sau cơn vượt cạn vất vả. Sau sinh sẽ xuất hiện các cơn co dạ con; các cơn co thắt này giúp tử cung trở lại kích cỡ ban đầu và đẩy sản dịch còn sót lại ra ngoài. Các cơn co dạ con thậm chí còn đau và khủng khiếp hơn so với cơn co trong chuyển dạ. Các mẹ sinh mổ sẽ cảm nhận rõ hơn các cơn co này và bị đau hơn so với các mẹ sinh thường. Các mẹ cũng đừng quá lo lắng vì đây là quy luật tự nhiên, các cơn co càng nhanh, mạnh thì thời gian tử cung hồi phục càng nhanh. Đi lại, vận động nhẹ nhàng, tránh nằm một chỗ sẽ giúp ích cho mẹ trong những ngày này.

Ngoài các cơn co dạ con, mẹ cũng cảm nhận được ngực mình hơi đau và căng cứng. Đây là dấu hiệu sữa đang về, mẹ chỉ cần cho bé bú là sẽ thấy thoải mái hơn.

Chú ý về dinh dưỡng

Bổ sung dinh dưỡng trong thời kỳ hậu sản

Cháo là món ăn phù hợp trong ngày đầu sau sinh.

Những ngày đầu sau sinh, vấn đề dinh dưỡng cho sản phụ cần được đặc biệt chú ý. Thức ăn cho mẹ trong những ngày này phải mềm, ấm và dễ tiêu hóa như cháo, mỳ gạo, trứng gà. Đối với các mẹ sinh mổ, khi chưa đánh hơi được (dấu hiệu thông ruột) thì không được ăn cháo thịt, cháo cá, cháo móng giò, sữa tươi, sữa đậu nành, nước mía… mà chỉ nên ăn cháo loãng, những món khó tiêu và thực phẩm lên men không hề tốt cho vết mổ lại khiến mẹ thêm khó chịu. Khi đường ruột đã hồi phục và mẹ có thể đi đại tiện bình thường, có thể ăn chế độ bình thường. Các mẹ sinh thường thì có sự lựa chọn đa dạng hơn, có thể uống sữa, các loại sinh tố, cháo thịt, cháo móng giò… Đối với các mẹ bị rạch tầng sinh môn, nên chia nhỏ bữa ăn thành 5-6 khẩu phần ăn/ ngày trong những ngày đầu sau sinh, dần dần có thể ăn chế độ bình thường.

Ngày 2-7 của thời kỳ hậu sản

Những thay đổi trên cơ thể mẹ

Cơn đau vì co dạ con thường chỉ kéo dài 2-3 ngày. Trong 3-4 ngày đầu sau sinh, sản dịch sẽ tiết ra nhiều, đặc, sau đó dần dần giảm đi, màu cũng nhạt hơn, không sẫm như trước.

Mẹ vẫn tiếp tục làm quen với nghĩa vụ cao cả cho con bú. Học cách mát xa hai bên vú cho sữa về đều, cho bé bú thường xuyên và cả hai bên để tăng lượng sữa tiết ra, bé bú không hết thì vắt sữa trữ lại để tránh bị tắc tia sữa. Giai đoạn này, cơ thể người mẹ nóng và tiết ra nhiều mồ hôi hơn người bình thường. Mẹ chú ý uống nhiều nước và lau khô người để tránh bị cảm lạnh.

Chú ý về dinh dưỡng

Trong 3 ngày đầu sau sinh, nếu mẹ thấy mình ít sữa, không đủ sữa cho con bú thì cố gắng kiên trì cho con bú thường xuyên, vì có thể sữa chưa về hoặc ống dẫn sữa chưa thông hoàn toàn. Giai đoạn này chưa nên bổ sung các sản phẩm lợi sữa vội mà vẫn nên ăn nhẹ, loãng như canh trứng, cháo gà/cá, súp rau, súp thịt… Từ ngày thứ 3 trở đi có thể ăn uống bình thường, không cần kiêng khem quá mức. Mẹ chỉ cần nhớ không ăn đồ cay nóng và không hút thuốc, uống rượu bia. Khẩu phần ăn mỗi ngày vẫn phải đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng gồm chất béo, chất xơ, protein, vitamin và các khoáng chất.

Bổ sung dinh dưỡng trong thời kỳ hậu sản

Trứng gà là thực phẩm được các bác sỹ khuyên nên ăn trong thời kỳ hậu sản.

Thông thường sản phụ hay được khuyên nên ăn trứng gà trong giai đoạn này. Trứng gà không những mềm, dễ tiêu hóa, dễ hấp thu mà còn chứa nhiều chất dinh dưỡng giúp cơ thể người mẹ phục hồi nhanh và lành vết thương nhanh. Trứng gà cũng thuộc nhóm thực phẩm lợi sữa, kích thích sản xuất sữa khá hiệu quả. Tuy nhiên mẹ vẫn nhớ là không nên ăn quá nhiều, chỉ nên ăn tối đa 2-3 quả trứng/ ngày để tránh bị rối loạn tiêu hóa, đầy bụng, khó tiêu.

Một loại thực phẩm nữa rất có lợi cho sản phụ sau sinh đó là cá chép. Thịt cá chép chứa nhiều protid có thể thúc đẩy tử cung co bóp nhanh và mạnh hơn, nhờ vậy mà sản dịch cũng được đẩy ra ngoài cơ thể nhanh, rút ngắn thời kỳ hậu sản.

Tuần thứ 2 của thời kỳ hậu sản

Những thay đổi trên cơ thể mẹ

Cơ thể mẹ vẫn đang hồi phục dần dần, tử cung vẫn tiếp tục co lại nhưng mẹ sẽ không cảm nhận được nó rõ rệt nữa, sản dịch tiết ra có màu nhạt dần. Bước sang tuần thứ 2, mẹ cũng quen với nhiệm vụ nuôi con bằng sữa mẹ. Giai đoạn này mẹ vẫn cho bé bú đều và theo nhu cầu của bé.

Rất nhiều mẹ nằm nhiều, ít vận động, chế độ ăn ít chất xơ dẫn đến bị táo bón. Ăn nhiều hoa quả, đặc biệt là chuối tiêu sẽ giúp mẹ cải thiện tình trạng này.

Chú ý về dinh dưỡng

Chế độ dinh dưỡng 'chuẩn' sau sinh dành cho sản phụ

Không nên quá kiêng khem, vẫn phải bổ sung đầy đủ dinh dưỡng trong giai đoạn ở cữ.

Sang tuần thứ 2 của thời kỳ hậu sản, mẹ vẫn tuân theo chế độ ăn bình thường, tuy nhiên có một số điểm đáng lưu ý sau:

– Khẩu phần ăn mỗi ngày tăng thêm 500 kcal, 1/5 số đó từ các thực phẩm cung cấp protein.

– Tăng thêm 20g protein mỗi ngày, tương đương 150g trứng hoặc 100g thịt lợn/ thịt bò hoặc 110g cá/ tôm hoặc 250g đậu phụ.

– Có thể ăn hải sản nhằm cung cấp kẽm, DHA, i-ốt cho sự phát triển não bộ của bé.

– Lượng canxi khuyến nghị cho giai đoạn này là 1,200mg/ ngày tương đương với lượng thực phẩm sau: 500ml sữa, 150g đậu phụ, 75g trứng, 5g tôm to, 250g rau lá xanh (rau chân vịt, cải bó xôi, cải xoăn), 100g cá và các thực phẩm khác.

– Trường hợp mẹ bị táo bón có thể tăng khẩu phần ăn hoa quả lên đến 500g/ ngày, kết hợp uống nhiều nước.

– Giai đoạn này, cơ thể cũng gần hồi phục hoàn toàn. Mẹ có thể tập các bài tập cơ bản, nhẹ nhàng để nhanh lấy lại vóc dáng trước khi mang thai.

Tuần thứ 3-4 của thời kỳ hậu sản

Những thay đổi trên cơ thể mẹ

Sang đến tuần thứ 3-4 cũng là lúc thời kỳ hậu sản sắp kết thúc. Lúc này hầu hết các mẹ đều đã không còn sản dịch, các vết khâu mổ và khâu rạch tầng sinh môn đã gần như hồi phục hoàn toàn. Tuy nhiên mẹ vẫn nên đợi sang đến tuần thứ 6 và cảm thấy cơ thể đã sẵn sàng mới nên bắt đầu quan hệ vợ chồng lại.

Giai đoạn này mẹ có thể bắt đầu làm những việc nhà nhẹ nhàng, nhưng không quá lâu. Nếu thấy mệt nên dừng lại và đi nằm nghỉ ngay.

Chú ý về dinh dưỡng

Chú ý về dinh dưỡng trong giai đoạn này không có điểm gì đặc biệt, mẹ vẫn duy trì chế độ ăn cung cấp đủ chất dinh dưỡng. Lựa chọn nhiều nguyên liệu, thay đổi cách chế biến sẽ giúp mẹ ăn ngon miệng hơn mà vẫn đầy đủ chất. Rất nhiều sản phụ trong giai đoạn ở cữ phải ăn duy nhất một món như thịt lợn với nghệ, thịt lợn hạt tiêu hay cháo móng giò. Mẹ nên nhớ chỉ cần phải kiêng ăn hạt tiêu, ớt, tỏi, các thực phẩm khác vẫn có thể ăn như bình thường mà không hề ảnh hưởng đến quá trình hồi phục cũng như chất lượng sữa cho bé.

Xem thêm

Cách tắm cho trẻ sơ sinh

Cách chăm sóc trẻ sơ sinh

Làm đẹp sau sinh

Giam can sau sinh

Minh Trang

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.