Các nhà khoa học Hàn Quốc đã mô phỏng cấu trúc phát sáng ở bụng dưới của đom đóm để cải tiến thấu kính của đèn LED nhằm hạ giá thành sản phẩm.
Phó Giáo sư Ki Hun Jeong và cộng sự tại Viện Khoa học – Công nghệ Tiên tiến Hàn Quốc đã sao chép cơ cấu phát sáng gồm 3 lớp dưới bụng của đom đóm để tìm cách thay thế thành phần chế tạo đèn LED khá đắt tiền hiện nay.
Ông Ki Hun Jeong nói: “Chúng tôi chế tạo thấu kính đèn LED mới mô phỏng theo cấu trúc siêu nhỏ của đèn đom đóm”.
Các nhà khoa học hy vọng một ngày nào đó, phát hiện mới này được ứng dụng cho tivi, điện thoại thông minh và các thiết bị tiên tiến khác.
Nhóm nghiên cứu cho rằng cấu trúc đèn đom đóm có thể được sao chép để tìm cách thay thế lớp chống phản xạ phủ ngoài của đèn LED, qua đó giúp giảm giá thành sản phẩm.
Đom đóm lấy nguồn ánh sáng tự nhiên để tạo ra ánh sáng dùng để thu hút bạn tình và con mồi.
Nghiên cứu được công bố chi tiết trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences.
Theo NLĐ