Chế tạo vật liệu ngụy trang lấy cảm hứng từ loài mực

Hầu hết các vật liệu ngụy trang dùng trong quân đội hiện nay chỉ có thể che chắn cho binh sĩ vào ban ngày chứ không thể giúp họ giấu mình vào ban đêm khi đối phương sử dụng ống nhòm ban đêm hoặc camera hồng ngoại. Đó là lý do các nhà khoa học tại Đại học California tại Irvine (Mỹ) nghiên cứu tạo ra một loại áo “tàng hình” có thể đổi màu dưới ánh sáng hồng ngoại.

>>> Áo thông minh đổi màu và hình dạng theo cử động

Ảnh: erinsodyssey.blogspot.com

Ý tưởng áo ngụy trang chống ánh sáng hồng ngoại được lấy cảm hứng từ loài mực, vốn có khả năng thay đổi màu sắc và kể cả cấu trúc da để nó hòa mình cùng hậu cảnh, né tránh kẻ săn mồi.

Công bố trên tuần san khoa học Advanced Materials của Đức, Tiến sĩ AlonGorodestsky và các đồng nghiệp cho biết họ đã sử dụng một loại protein mang tên reflectin – cấu trúc cần thiết để thay đổi màu sắc và phản chiếu ánh sáng của mực – có trong một loại vi khuẩn phổ biến để chế tạo các màng phim có hoạt tính quang học giống như da mực và mỏng hơn 100.000 lần sợi tóc.

Khi tiếp xúc với của các tác nhân hóa học nào đó, như ẩm độ trong không khí (thường tăng lên vào ban đêm) hoặc giấm ăn, màu sắc và sự phản xạ ánh sáng của tấm màng này có thể thay đổi, cho phép nó trở nên vô hình và xuất hiện trở lại trước camera hồng ngoại.

Nhóm nghiên cứu cho biết đây là bước khởi đầu hoàn hảo hướng tới mục tiêu tạo ra loại vải tàng hình có khả năng thay đổi cấu trúc và màu sắc để thích ứng với môi trường xung quanh.

 

Theo Báo Cần Thơ, Telegraph, Science Daily