Các nhà khoa học Anh cho biết, họ sẽ chủ trì một chương trình trị giá 650 triệu USD nhằm tìm kiếm dấu hiệu hóa học của sự sống trên các hành tinh bay quanh quỹ đạo của những vì sao xa, theo báo The Independent.
Nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Hoàng gia London sẽ “đứng mũi chịu sào” trong sứ mệnh có tên gọi Quan sát đặc điểm hành tinh ngoài hệ mặt trời (EchO) do Cơ quan Không gian châu Âu (ESA) bảo trợ. Các chuyên gia sẽ sử dụng một kính viễn vọng không gian mới để tìm những dấu ấn sinh học (biomarker) trong bầu khí quyển của những hành tinh xa xôi.
Vẫn còn nhiều bí ẩn về sự sống bên ngoài trái đất.
Họ sẽ ra sức tìm kiếm những phân tử hóa học vốn có thể báo hiệu sự hiện diện của sự sống.
“Một trong những mục tiêu then chốt trong sứ mệnh của chúng tôi là dò tìm những phân tử hóa học chẳng hạn như ozone và carbon dioxide trong khí quyển của những hành tinh có kích cỡ tương đương với trái đất”, trưởng nhóm nghiên cứu Giovanni Tinetti cho biết. “Những phân tử này là các dấu ấn sinh học quan trọng, cho thấy sự sống có thể đang hoặc đã từng hiện hữu”.
Sứ mệnh EchO sẽ tập trung vào những hành tinh giống trái đất trong khu vực có thể sống được của những ngôi sao giống mặt trời, thường được gọi là “vùng Goldilocks”, tức khu vực không quá nóng cũng không quá lạnh, giúp sự sống có thể hiện diện.
Kính viễn vọng không gian EchO dự kiến sẽ được đưa vào sử dụng trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến năm 2022.
Quyết định của ESA bảo trợ sứ mệnh nói trên được đưa ra sau những khám phá quan trọng của kính viễn vọng không gian Kepler của Cơ quan Hàng không và Không gian Mỹ (NASA).
Đầu tháng này, các nhà khoa học làm việc với Kepler cho biết có tổng cộng 1.235 “ứng cử viên” hành tinh (tức vật thể vũ trụ có tính chất như hành tinh) bay quanh quỹ đạo của những ngôi sao ngoài hệ mặt trời, bao gồm 54 hành tinh nằm trong “vùng Goldilocks” và 5 trong số này có kích cỡ bằng trái đất.
Theo Thanh niên