Trước nay, từng có rất nhiều lời giải thích được đưa ra xung quanh cái “búa” của loài cá mập đầu búa (ảnh). Có ý kiến cho rằng phần lồi ra trên đầu cá mập đầu búa giúp chúng có các thụ quan cảm nhận điện trường dài hơn, vì nhiều loài cá mập thường dùng thụ quan này để phát hiện con mồi và cá mập đầu búa cũng không phải là ngoại lệ.
Tuy vậy, gần đây khi kiểm chứng giả thuyết trên, hai nhà khoa học Mỹ Stephen Kajiura và Kim Holland của Trường đại học Hawaii lại có ý kiến khác. Theo họ, chiếc “búa” của cá mập đầu búa quả thật giúp nó tìm và bắt mồi, nhưng không phải theo cách nghĩ thông thường nêu trên của các nhà động vật học.
Các nhà nghiên cứu này đã dùng một hệ thống dây điện đặt ở đáy hồ, tạo ra một điện trường mô phỏng điện trường do tôm, cá phát ra. Họ quan sát thấy khi phát hiện con mồi, cá mập đầu búa đột ngột lao nhanh tới. Song khi đo khoảng cách từ chỗ con cá mập tới vị trí nguồn điện trường, các nhà nghiên cứu nhận thấy nó cũng chỉ tương đương khoảng cách săn mồi của những con cá mập bình thường.
Điều ấy chứng tỏ cả hai loài đều có khả năng như nhau trong việc cảm nhận điện trường và chiếc “búa” không chắc đã làm tăng khả năng cảm nhận của loài cá mập đầu búa. Và cuối cùng, nhóm nghiên cứu phát hiện một công dụng khác: với chiếc đầu rộng (hai mắt nằm ở hai góc “búa”) đã cho phép tầm nhìn của cá mập đầu búa rộng gấp đôi so với bình thường, tăng cơ hội tìm kiếm, bắt gặp con mồi.
NGUYỄN SINH
Theo NewScientists, Tuổi Trẻ Online