Chiếc đồng hồ hàng hải gắn liền với các cuộc thám hiểm của Charles Darwin

Chiếc đồng hồ hàng hải gắn liền với các cuộc thám hiểm của Charles Darwin

Nhà đấu giá Bonhams của Anh sắp tới đây sẽ đem bán chiếc đồng hồ hàng hải được chế tạo năm 1825. Đây là chiếc đồng hồ hàng hải được lắp trên con tàu HMS Beagle trong chuyến hành trình đến Nam Mỹ và quần đảo Galapagos với sự tham gia của nhà tự nhiên học, địa chất học lỗi lạc, cha đẻ của thuyết tiến hóa Charles Darwin (1809 – 1882). Với tên gọi W.E. Frodsham 2, chiếc đồng hồ này không chỉ là một minh chứng lịch sử mà còn thể hiện những sáng tạo công nghệ vượt bật cách đây gần 200 năm.

Về cơ bản, đồng hồ hàng hải là một chiếc đồng hồ cơ (ngày nay là đồng hồ điện tử) có độ chính xác cao được đặt trong một chiếc hộp dùng để xác định vị trí của tàu biển qua kinh độ. Với cơ chế cơ học đặc biệt, đồng hồ được đặt trên các khớp hồi chuyển để duy trì vị trí nằm ngang bất kể chuyển động của tàu như thế nào, qua đó đảm bảo độ chính xác cao nhất.

Chiếc đồng hồ hàng hải gắn liền với các cuộc thám hiểm của Charles Darwin
Chiếc đồng hồ với nét khắc của nghệ nhân W. E. Frodsham (1825).

Đồng hồ hàng hải là kết quả từ một đạo luật về kinh độ (Longitude Act) do nghị viện Anh đưa ra vào tháng 7/1714 dưới triều đại nữ hoàng Anne. Lúc đó, nghị viện Anh đã treo giải thưởng 20.000 bảng (tương đương 2,6 triệu bảng hiện nay) để phát triển một thiết bị có thể đo chính xác kinh độ trên biển. Vào năm 1730, John Harrison – một người thợ mộc sống tại vùng Yorkshire đã đệ trình dự án của mình và phiên bản thứ 4 được chế tạo năm 1761 của ông đã được trao giải thưởng này. Phát minh đồng hồ hàng hải không chỉ giúp nước Anh thành lập hải quân mà còn mang lại lợi thế thương mại, tạo nên vị thế thống trị trên các đại dương mãi đến đầu thế kỷ 20.

Chiếc đồng hồ được đem bán là một trong số 22 chiếc được lắp trên tàu HMS Beagle và là chiếc thứ 2 được nghệ nhân đồng hồ William Edward Frodsham chế tạo vào năm 1825. W. E. Frodsham sinh năm 1804 là con trai thứ của một gia đình làm đồng hồ gia truyền rất nổi tiếng tại Anh. Chiếc đồng hồ trên cũng là sản phẩm cuối cùng của W. E. Frodsham bởi ngay sau khi hoàn thành nó, ông đã chết đuối trong một lần đi bơi, lúc mới 21 tuổi. Chiếc đồng hồ sau đó đã không được kiểm tra mà được gởi thẳng đến Greenwhich để tham gia cuộc thi đồng hồ hàng hải. Với kỹ năng chế tác của William, chiếc đồng hồ đã vận hành rất tốt và nó được bộ hải quân Anh mua lại.

Chiếc đồng hồ hàng hải gắn liền với các cuộc thám hiểm của Charles Darwin

Bản thân chiếc đồng hồ cũng sở hữu một lịch sử phục vụ lâu dài và rất đặc biệt. Nó xuất hiện trên chuyến du hành thứ 2 của tàu khảo sát HMS Beagle kéo dài 5 năm (1831 – 1836) đến Nam Mỹ và quần đảo Galapagos với sự tham gia của nhà khoa học trẻ Charles Darwin. Sau này, nó được sử dụng trong cuộc viễn chinh ranh giới Bắc Mỹ (1843 – 1846) để thiết lập biên giới giữa Mỹ và Canada. Năm 1857, chiếc đồng hồ tiếp tục được sử dụng trên tàu HMS Herald trong chuyến khảo sát vùng duyên hải nước Úc. Trong suốt lịch sử làm việc, đồng hồ hàng hải W. E. Frodsham 2 đã phục vụ tổng cộng 15 con tàu trong khoảng thời gian từ năm 1831 đến 1911. Sau cùng, nó được bộ hải quân Anh bán thanh lý. Chiếc đồng hồ của W. E. Frodsham là 1 trong 2 chiếc từng được sử dụng trên tàu HMS Beagle còn tồn tại đến ngày nay và hiện đang được trưng bày tại viện bảo tàng Anh.

Charles Darwin và cuộc hành trình trên tàu HMS Beagle

Sở dĩ nói chiếc đồng hồ là một minh chứng lịch sử bởi nó đã giúp khai phá 3 điều quan trọng khi phục vụ trên tàu HMS Beagle. Chuyến đi đầu tiên của HMS Beagle năm 1826 – 1830 nhằm khảo sát bờ biển Nam Mỹ đã giúp thiết lập một chuỗi toạ độ định hướng đáng tin cậy trên địa cầu. Trong suốt cuộc hành trình này, đã có nhiều biến cố xảy ra trên tàu HMS Beagle. Khi con tàu đến gần cực nam của lục địa, nằm trong vùng biển hoang vắng Tierra del Fuego (Land of Fire), thuyền trưởng Pringle Stokes đã tự sát bằng súng do bị suy nhược tinh thần và quyền chỉ huy được trao lại cho trung uý W. G. Skyring và sau đó là trung uý Robert Fitzroy. Dưới sự chỉ đạo của họ, con tàu tiếp tục cuộc hành trình đến năm 1830.

Chuyến đi thứ 2 của tàu HMS Beagle năm 1831 – 1836 dưới sự chỉ huy của thuyền trưởng sau này là đô đốc hải quân Robert Fitzroy tiếp nối cuộc hành trình đầu tiên và sau đó rẽ về phía tây dọc theo Nam Thái Bình Dương, hướng đến quần đảo Galapagos, New Zealands và Úc. Để tránh một thảm kịch tương tự với thuyền trưởng Pringle Stokes, Fitzroy đã tuyển mộ một “quý ông đồng hành” với kiến thức khoa học để giúp ông ghi chép các đặc điểm địa chất của khu vực và quan trọng hơn là giảm đi sự cô lập mà người đồng nghiệp Pringle Stokes gặp phải. Charles Darwin đã được chọn từ rất nhiều ứng cử viên vừa tốt nghiệp đại học nhưng ông phải tự trang trải mọi chi phí trong chuyến hành trình bởi hải quân Anh đã từ chối tài trợ cho một nhà khoa học thường dân, không phục vụ cho quân đội như Darwin.

Chiếc đồng hồ hàng hải gắn liền với các cuộc thám hiểm của Charles Darwin
Hình vẽ con tàu HMS Beagle và Charles Darwin thời trẻ

Con tàu đến quần đảo Galapagos vào tháng 9/1835 và tại đây, Darwin đã bị mê hoặc bởi thiên nhiên kỳ thú trên quần đảo này với đá núi lửa và những con rùa cạn khổng lồ. Điều này đã minh chứng cho một thời khắc quan trọng làm thay đổi những suy nghĩ về khoa học và thần học hiện đại và đảo lộn cách nhìn nhận của chủ nghĩa sáng tạo từng được chấp nhận qua nhiều thế kỷ.

Cuộc hành trình dài 5 năm của Darwin trên tàu HMS Beagle đã trở thành huyền thoại sau khi Darwin mô tả bao quát về những trải nghiệm của ông trong cuốn sách “The Zoology of the Voyage of HMS Beagle” và các nghiên cứu sau này trên cuốn sách “On the Origin of Species”(Nguồn gốc muôn loài) nổi tiếng được xuất bản năm 1859. Cuốn sách đã gây náo loạn Giáo hội vừa thành lập, ảnh hưởng đến những người theo chủ nghĩa truyền thống và sau cùng gây rạn nứt mối quan hệ giữa Charles Darwin và Robert Fitzroy – một con chiên ngoan đạo.

Chuyến đi thứ 3 của HMS Beagle năm 1837 – 1843 dưới sự chỉ huy của John Wickham và John Stokes đã hoàn thành công cuộc khai phá vùng duyên hải nước Úc và mở ra các địa danh như cảng Darwin và sông Fitzroy.

Mặc dù sở hữu bề dày lịch sử nổi bật như vậy nhưng chiếc đồng hồ hàng hải của W. E. Frodsham lại được bán khá “rẻ”, với tầm giá rơi vào khoảng từ 30.000 đến 50.000 bảng (1,08 đến 1,8 tỉ VND). Chiếc đồng hồ sẽ được bán vào ngày 9 tháng 7 tại New Bond Street, London, Anh quốc.

 

Theo Tinh Tế