Xếp hàng sau cùng để chờ vài gã khác mây mưa với vợ mình là điều không tưởng với đàn ông. Nhưng trong thế giới động vật và đặc biệt là côn trùng, kẻ đến sau cùng lại là kẻ có khả năng được làm cha cao nhất.
Nhà nghiên cứu David Hosken(Ảnh: uec.ac.uk) |
Từ tinh tinh lùn cho tới ruồi giấm, những con đực luôn phải xếp hàng để được con cái “ân sủng“. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy con đực cuối cùng được ban “ân huệ” lại là con thành công nhất trong việc làm cho cô nàng mang thai. Không ai hiểu được vì sao.
Hai nhà nghiên cứu tại Đại học Exeter ở Anh, David Hosken và David Hodgson, cho rằng họ đã tìm ra câu trả lời.
Con đực cuối cùng tận dụng được lợi thế về môi trường thân thiện với tinh trùng do những con đực trước tạo ra. Các anh chàng xuất ra hàng trăm triệu tinh trùng vào ống sinh sản của con cái, nhưng hầu hết không thể chạm tới trứng để thụ tinh. Ở động vật có vú, chỉ 0,001% tinh trùng được xuất ra là chạm tới đích.
“Chính ống sinh sản của con cái là một môi trường nghiệt ngã với tinh trùng”, Hodgson nói.
Ông cho biết tính axit trong cơ quan sinh dục của con cái có thể giết chết rất nhiều tinh trùng, do hệ miễn dịch của con cái đã coi tinh trùng như những vật thể lạ và tấn công.
(Ảnh: uec.ac.uk) |
Tinh dịch do con đực xuất ra có thể giúp điều hoà môi trường axit này. Vì vậy, trong khi phải xếp hàng chờ, con đực cuối cùng có thể lợi dụng chất lỏng do các con đực tiết ra từ trước, tạo nên một con đường ít độc hại hơn để tinh trùng của nó có thể tiến tới đích và thụ tinh cho trứng.
Đến sau cùng cũng có nghĩa là anh chàng không cần phải xuất ra nhiều tinh trùng bởi khả năng thành công là cao hơn. “Chúng có thể điều chỉnh hành vi và sự đầu tư của mình để tối đa hoá khả năng được làm cha trong khi tối thiểu hoá nguồn lực bị mất“, Hodgson nói.
Kết quả được áp dụng với mọi sinh vật mà con cái quan hệ với nhiều con đực cùng một lúc. Cuộc giao hoan cần phải diễn ra rất nhanh để con đực có thể tận dụng được hiệu quả vật chất do tinh trùng của những con trước tạo ra.
M.T.
Theo Tân Hoa Xã, Vnexpress